Người dân Bắc Giang bất lực vì vải thiều mất mùa: 'Chưa năm nào tôi thấy đáng sợ như năm nay'

10/05/2024 14:46:27

Năm 2023, huyện Lục Ngạn được xem là một trong những vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước và tỉnh Bắc Giang. Thế nhưng vụ vải thiều năm nay tại nơi đây dường như mất trắng.

Tìm đến xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) vào đầu tháng Năm, khi hỏi các gia đình trồng vải nơi đây, người dân không giấu nổi nỗi buồn mà thốt lên "Vải năm nay mất mùa rồi".

Người dân Bắc Giang bất lực khi mùa vải gần như mất trắng (Vân Đức - Nhật Anh)

Theo sự chỉ dẫn của nhiều người, chúng tôi đã tìm được đến vườn vải của ông Dương Văn Nhiên (SN 1967) - một trong những người trồng vải có diện tích lớn nhất vùng.

Người dân Bắc Giang bất lực vì vải thiều mất mùa: 'Chưa năm nào tôi thấy đáng sợ như năm nay'
Khu vực trồng vải tại huyện Lục Ngạn, Lục Nam nhiều cây dường như không có quả

May mắn gặp ông Nhiên ở cổng, khi hỏi về vụ vải thiều năm nay, ông nói: "Vải năm nay mất trắng, còn gì đâu".

Ông Nhiên cho biết, gia đình ông hiện có khoảng 1.000 cây vải thiều, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 30 đến 35 tấn quả vải, nhưng năm nay mất mùa, nhiều cây không ra hoa, cây có thì lác đác vài quả.

Người dân Bắc Giang bất lực vì vải thiều mất mùa: 'Chưa năm nào tôi thấy đáng sợ như năm nay' - 1
Cây vải thiều chỉ lác đác quả

Ông Nhiên kể rằng ông bắt đầu trồng vải từ năm 1990 đến nay cũng khoảng 34 năm. Khi mới trồng, giá thành cây giống cao, với lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề sâu đục cuống quả vải.

Trước tình hình đó, ông Nhiên bắt đầu tìm hiểu, học hỏi từ mọi người và làm theo thấy rất hiệu quả. "Tôi hay đi xa để học hỏi, trao đổi kiến thức trồng vải với mọi người. Đặc biệt là những người trồng nhiều vải. Năm nào tôi cũng đi để học hỏi thêm, bởi nhiều lúc mình quên, nhưng khi nói chuyện, trao đổi giúp mình nhớ ra hoặc giúp mình biết thêm được điều gì đó mới mẻ từ mọi người. Rồi mình đúc kết lại thành kinh nghiệm cho bản thân", ông Nhiên chia sẻ.

Theo đó, khoảng hơn 30 năm trở lại đây, năm nào gia đình ông cũng thu về hàng trăm triệu đồng nhờ bán quả vải thiều. "Có năm giá thành quả vải cao, sản lượng tốt, tôi thu về khoảng 7 đến 8 trăm triệu đồng/vụ, bình thường thì khoảng 2 đến 3 trăm triệu đồng/vụ. Mọi năm mỗi khi vải thiều chín, cả vườn đỏ rực, sai trĩu quả, nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh đông vui lắm. Mỗi vụ vải thiều, tôi phải thuê hàng chục người làm giúp", ông Nhiên chia sẻ.

Người dân Bắc Giang bất lực vì vải thiều mất mùa: 'Chưa năm nào tôi thấy đáng sợ như năm nay' - 2

Người dân Bắc Giang bất lực vì vải thiều mất mùa: 'Chưa năm nào tôi thấy đáng sợ như năm nay' - 3

Người dân Bắc Giang bất lực vì vải thiều mất mùa: 'Chưa năm nào tôi thấy đáng sợ như năm nay' - 4
Mặc dù mới tháng 5 nhưng nhiều gia đình ở huyện Lục Ngạn đã phải bấm, tỉa, đốn cành vải

Tuy nhiên năm nay, thời điểm cây ra hoa, thời tiết thay đổi thất thường, mưa nhiều làm ảnh hưởng đến quá trình thúc đẩy hình thành quả vải thiều. Mặc dù ông Nhiên đã sử dụng nhiều cách khác nhau để giữ hoa nhưng dường như vẫn mất trắng.

"Chưa năm nào tôi thấy mất mùa đáng sợ như năm nay, cả vùng chỉ có vài nhà được. Gia đình tôi thì dường như mất trắng, năm nay chắc chỉ được khoảng 10% sản lượng quả vải so với năm ngoái. Nếu giá vải thiều cao thì hòa vốn phân bón, thuốc diệt sâu bọ đã đầu tư cho cây vải thiều", ông Nhiên thở dài nói.

Theo quan sát và tìm hiểu, các vườn vải lân cận nơi đây cũng trong tình trạng cây không có quả, cây thì lác đác vài quả. Nhiều người dân cho rằng vải thiều mất mùa do bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Tại huyện Lục Nam, nhiều vườn vải nơi đây cũng không khác gì so với tình trạng của các vườn vải ở huyện Lục Ngạn, cả vườn chỉ lác đác vài cây có quả vải, nhiều cây không quả, cây thì lưa thưa ít.

Ông Lương Thế Kỳ (67 tuổi) cho biết, ông là một trong những người đầu tiên trồng vải ở đây. Thời bấy giờ cây vải cho sản lượng lớn, giá thành cao nên nhiều người trong làng cũng trồng theo.

"Nơi đây ngày xưa là cánh đồng vải trải dài như tấm thảm, các thương lái đến mua vải xếp hàng dài. Nhưng sau đó sản lượng giảm, mọi người chuyển qua trồng na nhưng cũng không hiệu quả lắm. Giờ mỗi người trồng một loại khác nhau, người thì trồng vải, người trồng na, người trồng màu,… không có quy hoạch khiến cây vải thiều nhiều sâu bệnh, sản lượng giảm", ông Kỳ cho hay.

Người dân Bắc Giang bất lực vì vải thiều mất mùa: 'Chưa năm nào tôi thấy đáng sợ như năm nay' - 5
Ông Lương Thế Kỳ đã cố gắng đủ các phương pháp nhưng không hiệu quả

Cũng theo ông Kỳ, ngay từ khi nhận biết cây vải có dấu hiệu không ra hoa, ông đã sử dụng đủ các phương pháp nhưng vẫn không hiệu quả.

"Từ trước đến nay chưa năm nào vải thiều mất mùa như năm nay mất trắng, cây lác đác vài quả chỉ đủ để ăn. Ở đây một số nhà được, còn lại dường như mất hết", ông Kỳ nói.

Theo ông Kỳ, áp dụng kĩ thuật chỉ là một phần, nguyên nhân chính dẫn đến việc vải thiều mất mùa là do thời tiết tác động làm ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng của quả vải.

Cách đó không xa là vườn vải của nhà ông Phạm Văn Điệp, vườn của ông có khoảng 60 cây vải thiều, cho thu hoạch mỗi năm vài chục triệu đồng, sản lượng khoảng 1 đến 2 tấn vải/vụ. Thế nhưng năm nay vườn vải của ông Điệp cũng bị trơ trụi, nhiều cây không có quả.

Chia sẻ với PV, ông Điệp cho hay, khoảng 20 năm trước, giá vải thiều đắt nên ông quyết định trồng vải. Rồi tích cóp được bao nhiêu lại dành hết đầu tư mở rộng vườn và cho đến bây giờ vườn vải thiều của người đàn ông này có diện tích gần 2 mẫu.

"Đầu năm cây cũng có ra hoa nhưng không đậu quả, vải năm nay ở khu vực huyện Lục Ngạn, Lục Nam mất trắng, chỉ có vài gia đình được", ông Điệp nói.

Cũng như mọi người, khi thấy cây vải thiều ít hoa, ông Điệp cũng sử dụng các phương pháp như khoanh gốc, phun sâu, tỉa cành, ủ hoa ủ lộc nhưng đều không hiệu quả.

Người dân Bắc Giang bất lực vì vải thiều mất mùa: 'Chưa năm nào tôi thấy đáng sợ như năm nay' - 6
Mùa vải năm nay, người dân Bắc Giang lại mang theo nỗi buồn

"Từ đầu năm đến giờ tôi mất vài triệu tiền thuốc sâu, phân bón nhưng sản lượng vải thiều chắc cũng chả đủ để ăn. Nhiều lần tôi cũng tính chặt để chuyển sang trồng loại cây khác nhưng vợ tôi không cho. Tôi tính năm tới mà kiểu này tôi sẽ chặt bỏ cây vải thiều. Bởi giống này sai quả mới đẹp, lưa thưa thì chỉ có bỏ, không lớn được", ông Điệp cho hay.

Theo vợ ông Điệp cho biết: "Vải năm nào được mùa thì giá rẻ, mất mùa thì giá cao. Vải không chăm được quả to thì không bán được, chủ yếu các thương lái đến mua rồi xuất khẩu sang Trung Quốc nên họ sẽ lựa chọn các vườn có quả vải to, đẹp để mua".

Lý giải về nguyên nhân tác động dẫn đến vải thiều năm nay ở huyện Lục Ngạn mất mùa, một vị lãnh đạo HTX nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết, do thời tiết thay đổi gây ảnh hưởng đến cây vải, làm cho vải thiều năm nay mất mùa. "Thời tiết năm nay thay đổi, gây ảnh hưởng lớn đến cây vải thiều. Việc ảnh hưởng như vậy làm giảm tỉ lệ thu nhập của bà con", vị lãnh đạo trên cho hay.

Cũng theo vị lãnh đạo này, năm nay tại khu vực huyện Lục Ngạn, các loại vải sớm thì mất ít còn các loại vải thiều muộn dường như mất trắng.

Theo Vân Đức (Nguoiduatin.vn)

https://kenh14.vn/nguoi-dan-bac-giang-bat-luc-vi-vai-thieu-mat-mua-chua-nam-nao-toi-thay-dang-so-nhu-nam-nay-202405082257318.chn

 

Nổi bật