Trong khi tăng khai thác dầu là giải pháp đầu tiên được nhà điều hành nhắc tới nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cơ quan thẩm tra lại cho rằng việc này cần được tính kỹ.
Trình bày báo cáo tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 22/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Vũ Hồng Thanh nêu tính toán, để đạt tốc độ tăng GDP 6,7% đã đề ra năm nay, mức tăng trưởng trung bình 3 quý cuối phải đạt trên 7% - con số mà Ủy ban này cho là khó thực hiện nếu xét theo thực tế. Mức khả thi, theo ông Thanh chỉ là 6,3-6,5%.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh. Ảnh: N.A |
Trước đó, trong báo cáo của Chính phủ, cơ quan điều hành khẳng định quyết tâm không hạ chỉ tiêu, dù mức tăng trưởng quý I chỉ là 5,1% - thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Giải pháp đầu tiên được đưa ra nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh là "Triển khai các giải pháp kỹ thuật để tăng sản lượng khai thác dầu thô trong nước năm 2017 cao hơn so với kế hoạch đã được Thủ tướng giao, khai thác tối ưu trên cơ sở đạt hiệu quả kinh tế, an toàn và bảo vệ môi trường".
Tuy vậy, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế lại cho rằng tăng trưởng quý I thấp có nguyên nhân từ tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào các ngành khai khoáng, chưa tìm được động lực mới và chưa tận dụng khai thác được thị trường nội địa.
Bởi vậy, Ủy ban Kinh tế cho rằng Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Trên thực tế, việc tăng khai thác dầu để đảm bảo tăng trưởng cũng từng được đặt ra tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 2015. Kết quả là GDP tăng cao nhất trong vòng nửa thập kỷ (một phần lý do khác đến từ việc tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng), song việc giá dầu lao dốc từ quý III năm đó đã khiến hiệu quả chính sách mất tác dụng trong năm 2016. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê vào năm ngoái, với một triệu tấn dầu khai thác thêm, GDP Việt Nam sẽ tăng thêm 0,3%.
Cũng theo Ủy ban Kinh tế, tăng trưởng hiện nay phụ thuộc nhiều vào ngoại lực (doanh nghiệp FDI), dựa vào một số tập đoàn đa quốc gia lớn, nên chứa đựng bất ổn và không đảm bảo tính bền vững. Do vậy, một số ý kiến đề nghị Chính phủ phải thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn, kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh thay đổi chất lượng, bảo đảm bền vững. Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ cần có đánh giá việc GDP không đạt sẽ tác động như thế nào đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách...
Cùng với tăng trưởng, việc nhập siêu quay trở lại, tương đương 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, cũng là mối lo được nêu trong báo cáo. Một số ý kiến cho rằng cơ cấu xuất khẩu hiện cũng phụ thuộc nhiều vào khối FDI và dù Việt Nam đang có lợi thế so sánh trong quan hệ thương mại, đầu tư quốc tế nhưng chưa có giải pháp căn cơ để tận dụng các cơ hội thuận lợi.
Bên cạnh đó, tuy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 4,8%, song mối lo lạm phát lại "bùng" lên trong năm 2017 đang hiện hữu trước áp lực tăng giá hàng hoá thế giới, tỷ giá và điều chỉnh giá điện, y tế, giáo dục... và tiền lương theo lộ trình.
Tăng trưởng và xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào khối FDI. Ảnh: N.M |
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế một lần nữa cũng chỉ ra nỗi lo nợ công cao, thâm hụt ngân sách tiếp tục gây sức ép trả nợ và rủi ro với nền kinh tế.
Chi đầu tư phát triển từ ngân sách trong 4 tháng đạt mức thấp (19,2%), gây áp lực giải ngân vào những tháng cuối năm, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có biện pháp khắc phục. Một số dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn còn chậm, một số khoản vốn vẫn chưa phân bổ chi tiết, nhiều dự án chưa đáp ứng đủ điều kiện, thủ tục để phân bổ vốn, tiếp tục xin gia hạn thời gian hoàn thiện thủ tục.
"Do dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 khó đạt 6,7% trong khi thực hiện chi chuyển nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 sang năm 2017 và vốn vay ODA thực tế cao hơn so với dự toán, nên Chính phủ cần kiểm soát chặt nợ công, không để vượt mức trần 65%GDP cho phép", báo cáo nêu.
Uỷ ban cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu để đẩy nhanh tiến độ tổng hợp, giao vốn, bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.
Trong số các chỉ tiêu phát triển kinh tế thì tăng trưởng tín dụng được coi là điểm sáng hiếm hoi trong những tháng đầu năm, tăng 5,76% so với cuối năm 2016, cao nhất 3 năm qua. Dù vậy, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn là dấu hỏi lớn.
Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường kiểm soát rủi ro trong cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, nhất là phân khúc cao cấp để giảm thiểu nguy cơ về “bong bóng bất động sản” như thời gian trước đây.Lo lắng này được nêu trong bối cảnh số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong năm 2016 trên 3.100 doanh nghiệp, tăng gần 84% so với năm 2015.
Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn bất cập, chuyển nhượng quyền sử dụng đất "chui" kéo dài trong nhiều năm đang trở nên nghiêm trọng, chênh lệch địa tô ngân sách Nhà nước không thu được. Việc để xảy ra tình trạng như trên, theo Ủy ban Kinh tế là do sự buông lỏng quản lý của các cấp, ngành nên đã để cho các nhóm lợi ích cấu kết làm mất hiệu lực chính sách quản lý.
Theo Anh Minh (VnExpress.net)