Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) chấm dứt điều tra và không áp thuế chống trợ cấp đối với nhôm ép và thép mạ kẽm nhập khẩu Việt Nam.
Sau quá trình điều tra, vào tháng 6 và tháng 8 năm 2017, ADC đã lần lượt công bố báo cáo cuối cùng của 2 vụ việc, theo đó ADC quyết định chấm dứt điều tra và không áp thuế chống trợ cấp đối với Việt Nam trong cả 2 vụ việc, cụ thể là:
(1) Trong vụ việc nhôm ép, Việt Nam bị cáo buộc đã trợ cấp cho doanh nghiệp trong 03 chương trình liên quan đến ưu đãi thuế. Sau khi điều tra, ADC xác định: 01 trong số 03 công ty của Việt Nam đồng ý hợp tác với ADC đã không nhận được ưu đãi nào từ các chương trình nêu trên. 02 doanh nghiệp còn lại và các nhà sản xuất/xuất khẩu khác có nhận được trợ cấp nhưng biên độ trợ cấp không đáng kể. Vì vậy, ADC quyết định chấm dứt điều tra vấn đề trợ cấp đối với Việt Nam.
(2) Trong vụ việc thép mạ kẽm, Việt Nam bị cáo buộc đã trợ cấp cho doanh nghiệp trong 19 chương trình liên quan đến ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư, các chương trình hỗ trợ, chương trình xúc tiến thương mại. Sau khi điều tra, ADC xác định: các công ty của Việt Nam đồng ý hợp tác với ADC chỉ nhận được trợ cấp từ 03 trong số 19 chương trình nói trên, và lượng trợ cấp này là không đáng kể; mức độ trợ cấp dành cho các nhà sản xuất/xuất khẩu khác cũng không đáng kể. Vì vậy, ADC quyết định chấm dứt điều tra vấn đề trợ cấp đối với Việt Nam.
ADC chấm dứt điều tra và không áp thuế chống trợ cấp đối với nhôm ép và thép mạ kẽm nhập khẩu Việt Nam. Ảnh minh họa: CafeLand |
Đối với vấn đề điều tra chống bán phá giá, trong vụ việc thép mạ kẽm, nguyên đơn cáo buộc có tồn tại “tình hình thị trường đặc biệt” trong ngành thép mạ Việt Nam. Nguyên đơn cho rằng Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu chính để sản xuất thép mạ kẽm là thép cuộn nóng (hot rolled coil - HRC).
Trong khi đó, giá của HRC tại nước xuất khẩu, do được trợ cấp nên đã bị bóp méo (thấp hơn giá lẽ ra phải có). Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu này nên giá thép mạ kẽm của Việt Nam cũng bị lệch lạc theo và đây cần được coi là “tình hình thị trường đặc biệt” tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi điều tra, Úc đã kết luận không tồn tại tình hình thị trường đặc biệt trong ngành thép mạ Việt Nam.
Việc ADC kết luận chấm dứt điều tra, không áp dụng biện pháp chống trợ cấp trong 02 vụ việc và việc ADC kết luận không tồn tại tình hình thị trường đặc biệt đối với thị trường thép mạ Việt Nam là kết quả tích cực và thành công đối với Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam. Kết quả cuối cùng này là tiền lệ tích cực cho các vụ việc tương lai, do đây là lần đầu tiên Úc điều tra chống trợ cấp và điều tra “tình hình thị trường đặc biệt” đối với Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 8/2017, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (Anti-dumping Commission - ADC) (thuộc Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học), cơ quan điều tra đã công bố Báo cáo cuối cùng (REP 370) và người có thẩm quyền (Parliamentary Secretary của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học) đã ra quyết định cuối cùng (Thông báo số 2017/99) đồng ý với khuyến nghị của Ủy viên của ADC về cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép mạ kẽm nhập khẩu từ Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam. Riêng cuộc điều tra chống trợ cấp chỉ áp dụng đối với Ấn Độ do trước đó, vào ngày 17/7/2017, ADC đã ra thông báo (Thông báo số 2017/98) chấm dứt điều tra chống trợ cấp và không áp dụng biện pháp chống trợ cấp đối với sản phẩm này nhập khẩu từ Việt Nam.Hàng hóa bị điều tra là mặt hàng thép mạ kẽm (zinc coated/galvanized steel) mã HS: 7210.49.00, 7212.30.00, 7225.92.00 và 7226.99.00. Ngày khởi xướng bắt đầu từ 16/8/2016 và giai đoạn điều tra phá giá, trợ cấp kể từ ngày 1/7/2015 – 30/06/2016; trong đó, nước bị điều tra bao gồm Việt Nam, Malaysia và Ấn Độ. |
Theo Vietq.vn