Theo Financial Times, Uber hy vọng khoản đầu tư này sẽ cho phép công ty mở rộng dịch vụ và tăng lượng khách hàng tại nhiều nơi hơn trên thế giới.
Tuy nhiên, điều này dường như trái ngược với tầm nhìn của Softbank.
Rajeev Misra, Giám đốc của Softbank, tin rằng Uber có cơ hội thành công và đạt lợi nhuận tốt hơn nếu chỉ tập trung vào các thị trường cốt lõi như Mỹ, châu Âu, Mỹ Latin và Australia.
Theo đó, Uber có thể sớm phải rút khỏi một số thị trường quốc tế ở châu Phi và châu Á, có thể gồm Việt Nam, nếu Softbank có quyết định chính thức. Ông Misra dự kiến tham gia vào Hội đồng quản trị của Uber như một phần của thỏa thuận.
Sofbank cũng nắm cổ phần đáng kể tại một số công ty gọi xe lớn nhất thế giới, bao gồm các đối thủ của Uber như Ola của Ấn Độ, Didi của Trung Quốc. Do đó, có lẽ gã khổng lồ Nhật Bản muốn công ty có trụ sở tại bang California (Mỹ) tập trung vào các thị trường cốt lõi - nơi Uber không cạnh tranh với các khoản đầu tư khác của Softbank.
Hiện tại, Uber chưa đưa ra câu trả lời về vấn đề khi nào bắt đầu rút khỏi châu Á và châu Phi.
Từ khi ra mắt lần đầu tại thị trường châu Phi vào năm 2013, bất chấp sự chống đối cứng cỏi từ các đối thủ, Uber nhanh chóng mở rộng tại 8 quốc gia, bao gồm Nam Phi, Kenya, Nigeria, Tanzania, Uganda, Ghana, Ai Cập và Morocco.
Trong 4 năm ở châu Phi, Uber đã có những tiến bộ đáng kể. Ai Cập là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Trong 16 tháng đầu tiên ở Lagos, Uber phát triển nhiều hơn 30% xe so với 16 tháng đầu tiên ở London.
Tại Ghana, Uber hợp tác với Bộ Giao thông nước này phát triển một khuôn khổ pháp lý cho công nghệ chia sẻ xe, đảm bảo rằng công ty sẽ không phải đối mặt với những vấn đề tương tự mà họ gặp phải ở các thị trường khác. Tính đến tháng 10/2017, ứng dụng UberEATS đã có hơn nửa triệu lượt tải ở Nam Phi – thị trường lớn nhất của Uber ở châu Phi.
Tuy nhiên, cũng giống như một số thị trường khác, hoạt động của Uber tại một số quốc gia châu Phi bị các công ty xe taxi truyền thống phản đối. Họ cho rằng doanh nghiệp này gây bất lợi cho các hoạt động kinh doanh của họ.
Đôi khi, chính những tài xế của Uber cũng phản ứng mạnh mẽ, thậm chí đình công, vì việc phân chia lợi nhuận thấp.
Theo Kim Ngân (Tri Thức Trực Tuyến)