Cụ thể, trong văn bản kiến nghị, ba hiệp hội này nhấn mạnh việc nhiều địa phương quyết liệt phản đối Uber, Grab như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng… Theo số liệu các hiệp hội taxi đưa ra, lượng xe của Uber, Grab đã lên 50.000 xe, quy hoạch vận tải taxi đang bị phá vỡ. Vì vậy trong khi chờ Nghị định 86/2014/NĐ-CP sửa đổi, các Hiệp hội taxi kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các địa phương thực hiện thí điểm dừng cấp mới phù hiệu xe hợp đồng cho các phương tiện tham gia để rút kinh nghiệm về công tác quản lý.
Theo đề xuất của các hiệp hội, trên nóc xe hợp đồng phải gắn hộp đèn, logo đơn vị vận tải giống như taxi. Cơ quan chức năng cần tổ chức kiểm tra xử phạt khi các xe có phù hiệu, nhưng cố tình không dán lên xe theo quy định. Ngoài ra, phải xem xét việc Uber, Grab có tuân thủ đúng quy định của pháp luật không.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải chỉ cho thí điểm tại 5 tỉnh thành nhưng đến nay Uber, Grab đã mở ra nhiều tỉnh, thành khác như Bắc Ninh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… Riêng tại Đà Nẵng, mặc dù chưa được phép thí điểm nhưng cả Uber và Grab đều vẫn đang hoạt động với số lượng lên đến hơn 3.000 xe.
Hiệp hội taxi TP.HCM còn cho rằng nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản, do đó đã gửi văn bản đề nghị các cơ quan chức năng sớm có giải pháp “cứu” doanh nghiệp. Đơn vị này cho rằng quá trình thí điểm Uber, Grab bộc lộ sự bất cập, bất công về mặt chính sách với taxi. Bộ Giao thông Vận tải đã và đang tạo một “chợ riêng”, “sân chơi riêng”, giống như một “cơ chế thương mại độc quyền” cho Grab, Uber.
Theo H.Khanh (Thanh Niên Online)