Lời cảnh báo của tỷ phú Trần Đình Long đã ứng nghiệm

21/07/2022 15:01:53

Lời cảnh báo của tỷ phú Trần Đình Long có thể trở thành hiện thực khi mà tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ngành thép dần lộ diện. Những diễn biến khó lường trên thế giới khiến thực tế không còn là màu hồng.

CTCP Thép Thủ Đức - Vnsteel (TDS) vừa trở thành doanh nghiệp ngành thép đầu tiên báo thua lỗ trong quý II/2022 giữa lúc ngành thép gặp khó khăn, khiến cả doanh thu và biên lãi gộp đều giảm.

Theo báo cáo, trong quý II/2022, TDS ghi nhận doanh thu thuần giảm hơn 45% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 358 tỷ đồng và lỗ gộp gần 2,5 tỷ đồng.

Đây là một thông tin không quá bất ngờ đối với doanh nghiệp làm ăn không mấy suôn sẻ như TDS. Trong 2 quý cuối năm 2021, doanh nghiệp này cũng ghi nhận tình trạng thua lỗ. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu cho thấy doanh nghiệp ngàng thép đối mặt với cơn gió ngược với sản lượng thép tiêu thụ và giá bán giảm.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 ông lớn ngành thép Hòa Phát (HPG), chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cảnh báo về tìn hình “thê thảm” của doanh nghiệp khi mà ngành thép “đang không thuận lợi”.

Ông Long cho biết, cổ đông cứ đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III, quý IV rồi sẽ thấy. Tới quý II, “cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào". Theo ông Long, ngành thép gặp khó khăn trong 3 quý cuối năm do nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga-Ukraine; việc Trung QUốc thực hiện chính sách "Zero COVID" khiến cho nhu cầu thép giảm tại thị trường này giảm.

Lời cảnh báo của tỷ phú Trần Đình Long đã ứng nghiệm
Tỷ phú Trần Đình Long. Ảnh: Hoàng Hà.

Thép Thủ Đức cho biết sở dĩ doanh thu quý II/2022 giảm là do sản lượng thép tiêu thụ của doanh nghiệp giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

Còn lợi nhuận quý II/2022 âm, được Thép Thủ Đức giải thích là do, giá cả đầu ra giảm sâu liên tục từ đầu quý II đến nay. Lượng thép tiêu thụ giảm mạnh, dẫn đến việc công ty phải ngưng sản xuất. Giá thép tồn kho cao từ các tháng trước làm ảnh hưởng tới giá vốn. 

Việc tiêu thụ chậm cũng ảnh hưởng tới dòng tiền, kèm theo việc siết tín dụng, lãi suất tăng cao so với cùng kỳ cũng làm chi phí tài chính, nhất là lãi vay, tăng mạnh.

Triển vọng trong 2 quý còn lại trong năm của Thép Thủ Đức cũng không mấy tươi sáng khi mà giá thép được dự báo còn giảm. TDS còn lượng hàng tồn kho cao và đây không phải là hàng tồn giá rẻ. Tới cuối quý II/2022, TDS còn gần 500 tỷ đồng hàng tồn kho.

Thực tế khó khăn không chỉ của TDS hay Hòa Phát mà là chung đối với ngành thép và cũng đã phần nào được dự báo từ trước. 

Mirae Asset cho rằng, giai đoạn 2022-2023, Hòa Phát (HPG) có thể có rủi ro biên lợi nhuận giảm do giá quặng sắt điều chỉnh từ quý II/2022 và giá than cốc ở mức cao. 

Trong khi đó, SSI Research đánh giá biên lợi nhuận trong cả năm 2022 của 2 doanh nghiệp tôn là Hoa Sen Group (HSG) và Thép Nam Kim (NKG) sẽ điều chỉnh từ mức đỉnh năm 2021 do không có hàng tồn kho giá thấp. Chứng khoán BSC lại cho rằng biên lợi nhuận ngành thép sẽ suy giảm do giá bán thép bình quân năm 2022 giảm khi cạnh tranh trong ngành gia tăng. 

Tình cảnh hiện nay của các doanh nghiệp ngành thép hoàn toàn trái ngược với giai đoạn quý II/2021 khi thế giới chứng kiến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu mạnh tạo điều kiện cho giá thép bay cao.

Giá thép nội địa gần đây được điều chỉnh giảm liên tục. Cùng với xu hướng giảm chung trên thị trường chứng khoán, nhiều mã cổ phiếu ngành thép giảm giá mạnh. HPG giảm từ trên 43.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) xuống 22.000 đồng/cp như hiện tại. Vốn hóa Hòa Phát mất khoảng 5 tỷ USD.

Một số cổ phiếu ngành thép khác còn giảm sâu hơn tới 60-70% như HSG, NKG…

Gần đây khối ngoại bán ròng trên TTCK. Trong phiên 19/7, khối này bán ròng 360 tỷ đồng, tâm điểm là HPG với 72 tỷ đồng.

HPG cũng chịu áp lực từ hơn 1,3 tỷ cổ phiếu phát hành thêm sẽ giao dịch từ 26/7. Đây là lượng cổ phiếu Hòa Phát phát hành để trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2021 tỷ lệ 30%.

Lời cảnh báo của tỷ phú Trần Đình Long đã ứng nghiệm - 1
Sản xuất thép tại Hòa Phát. Ảnh: Hoàng Hà.

Rủi ro rình rập

Theo MBS, thị trường chốt phiên 19/7 tăng điểm sau khi kiểm nghiệm đường MA10 thành công. Xét về mặt dòng tiền thì nhịp hồi cuối phiên và việc thị trường có thể hấp thụ lớn hơn lượng hàng T+3 về tài khoản là mặt tích cực. Rủi ro lúc này là ở thị trường quốc tế trong bối cảnh thị trường trong nước nỗ lực lấy lại nhịp phục hồi. Việc thị trường có điều chỉnh cũng là điều dễ hiểu sau chuỗi tăng vừa qua và nếu tiếp tục duy trì được mức tương quan thấp so với thị trường quốc tế, tác động từ thị trường quốc tế là không đáng ngại.

YSVN cho rằng, VN-Index có thể sẽ tiếp tục còn giằng co quanh đường trung bình 20 phiên, tức là quanh mức 1.180 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Điểm tích cực là dòng tiền ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi đó nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn chưa xác nhận xu hướng rõ ràng. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu giảm dần, nhưng dòng tiền vẫn còn thận trọng khi quy mô dòng tiền hiện tại vẫn ở mức thấp. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng nhẹ cho thấy nhà đâu tư đã lạc quan hơn với diễn biến hiện tại.

Chốt phiên giao dịch 19/7, chỉ số VN-Index tăng 1,84 điểm lên 1.178,33 điểm. HNX-Index giảm 0,2 điểm xuống 284,43 điểm. Upcom-Index tăng 0,42 điểm lên 87,89 điểm. Thanh khoản đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, trong đó có 11,3 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

Theo M. Hà (VietNamNet)