Cùng giấc mơ công nghệ với ông Phạm Nhật Vượng, một tỷ phú Việt Nam sắp ra mắt xe tự lái Made in Vietnam đầu tiên

25/03/2021 06:21:44

Ông Năng "Do thái" nói: "Chúng tôi làm thực, chứ không giới thiệu mô hình" khi bị "vặn hỏi" về việc một số đơn vị giới thiệu giải pháp xe tự hành và thành phố thông minh nhưng chưa đưa vào thực tế và tính hữu dụng còn hạn chế.

Ngày 26/3 tới đây, Tập đoàn Phenikaa thông báo sẽ chính thức ra mắt xe tự hành cấp độ 4 'Made in Viet-Nam' đầu tiên (dựa trên thang đo 5 cấp độ cho xe tự lái của Hiệp hội Kỹ sư ô tô Hoa Kỳ (SAE). Trước câu hỏi đã có một số đơn vị giới thiệu giải pháp xe tự hành và thành phố thông minh nhưng chưa đưa vào thực tế và tính hữu dụng còn hạn chế, ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa chỉ thong thả: "Chúng tôi làm thực, chứ không giới thiệu mô hình".

Xe tự hành 'Made in Viet Nam' đầu tiên 

Theo chia sẻ của ông Lê Anh Sơn - CEO CTCP Phenikaa X, chiếc xe tự hành thông minh Phenikaa được nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện mẫu xe đầu tiên sau 6 tháng bởi chính nhóm dự án là các nhà khoa học, chuyên gia và kỹ sư thuộc Tập đoàn Phenikaa từ các Trung tâm/Viện nghiên cứu, trường Đại học Phenikaa và Công ty CP Phenikaa X.

Cụ thể, họ bắt đầu nghiên cứu về xe tự hành từ tháng 4/2020 với hành động đầu tiên là tập hợp các nhà khoa học Việt Nam ở các nước để thành lập đội chuyên nghiên cứu về giải pháp tự hành. Đến tháng 9/2020, đội được thành lập và cùng nhau lên ý tưởng lớn.

"Nhưng khi mới bắt đầu, nói thật là toàn đội không biết bắt đầu từ đâu. Vì để tạo ra xe tự hành gồm rất nhiều công nghệ trộn lẫn vào nhau. Do đó, chúng tôi bắt đầu từ việc nghiên cứu, chế tạo một con robot tự hành bình thường chạy trong trường ĐH Phenikaa để cung cấp nguyên vật liệu cho các khu vực khác nhau mà không cần giao tiếp" - Ông Lê Anh Sơn trả lời báo Gia đình mới.

Theo quảng cáo, chiếc xe tự hành này hoàn toàn không có tay lái nên không cần hệ thống trợ lái, chế độ tự hành được thực hiện khi người dùng tương tác với xe thông qua phần mềm được thiết kế riêng biệt. Chỉ cần mở ứng dụng và lựa chọn điểm đi- điểm đến.

Nhà sản xuất cũng cho hay, định hướng chiếc xe tự hành này được hoạt động trong các khu vực tư nhân như các khu du lịch, resort, sân golf dù ước mơ lớn hơn là xe được tham gia giao thông ngoài đường còn gặp nhiều vướng mắc ở Việt Nam.

Ngoài việc giới thiệu mẫu xe tự hành, Phenikaa cũng giới thiệu giải pháp công nghệ cho giao thông thông minh được thực hiện bởi công ty thành viên Phenikaa MAAS.

Cùng giấc mơ công nghệ với ông Phạm Nhật Vượng, một tỷ phú Việt Nam sắp ra mắt xe tự lái Made in Vietnam đầu tiên
Hình ảnh xe tự hành Phenikaa được công bố

Ông Năng "Do thái" và mối nhân duyên với ngành xe hơi

Ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa sinh năm 1964 tại Nam Định, tốt nghiệp Đại học Bách khoa, bảo vệ luận án Tiến sĩ thành công (tiến sỹ trẻ nhất Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1991) và trở thành cán bộ nghiên cứu khoa học tại Viện Cơ điện nông nghiệp và chế biến nông sản thuộc Bộ NN-PTNT.

Nhưng sau đó, ông Năng đã bước chân sang thương trường, trở thành Giám đốc sản xuất Nhà máy ô tô FORD Việt Nam. Đến năm 1999, ông Năng đến với Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam Vinaconex với vị trí là Thư ký Chủ tịch HĐQT.

Cùng giấc mơ công nghệ với ông Phạm Nhật Vượng, một tỷ phú Việt Nam sắp ra mắt xe tự lái Made in Vietnam đầu tiên - 1

Từ vị trí người làm thuê, bằng tài năng, ông Hồ Xuân Năng trở thành Giám đốc Công ty cổ phần Đá ốp lát cao cấp VINACONEX (Vicostone) - một công ty được thành lập để đầu tư vào lĩnh vực đá ốp lát cao cấp. Đến năm 2007, ông Hồ Xuân Năng được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty.

Thời điểm ông Năng tiếp nhận Vicostone, công ty đang đứng bên bờ vực phá sản. Nhưng nhờ sự thông minh, nhạy bén và tài quản lý của mình, ông Năng đã "nâng tầm" Vicostone từ một công ty nhỏ thành công ty có giá trị thị trường hơn 14.000 tỷ đồng. Nói chung, không phải tự nhiên mà vị doanh nhân này được giới kinh doanh gọi là Năng "Do thái" vì sự thông minh và nhạy bén như trí tuệ người Do thái.

Thương vụ nổi tiếng nhất sự nghiệp của ông Năng đến nay có lẽ là vụ M&A "thần sầu" của Tập đoàn Phenikaa với chính Vicostone nhằm "đá" nhà đầu tư nước ngoài khỏi công ty. Sự mâu thuẫn giữa Ban lãnh đạo người Việt và nhà đầu tư nước ngoài Red RiverHoldings xảy ra trong một thời gian dài, cuối cùng được giải quyết như thế này:

Cùng giấc mơ công nghệ với ông Phạm Nhật Vượng, một tỷ phú Việt Nam sắp ra mắt xe tự lái Made in Vietnam đầu tiên - 2

Hiện tại, Phenikaa sở hữu gần 82% cổ phần của Vicostone. Giá trị cổ phiếu Vicostone mà ông Năng gián tiếp sở hữu qua Phenikaa có giá trị gần 11.000 tỷ đồng.

Ông Năng nổi tiếng trên thương trường với lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đá thạch anh nhân tạo, nhưng ông cũng là người đã viết hai cuốn sách được giới chuyên môn tìm đọc khá nhiều gồm "Cảm biến và cơ cấu chấp hành trong hệ thống cơ điện tử ôtô" và cuốn "Kỹ thuật động cơ ôtô" được xuất bản năm 2020.

Năm 2008 - 2009, khi Vicostone bắt đầu phát triển mạnh, ông Năng đã có ý định đầu tư vào một trường đại học, nhưng rồi khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, Công ty lại đang đầu tư vào thị trường Mỹ, ông đành gác lại dự định. Năm 2015 - 2016, ông mua được 35% cổ phần của Trường Đại học Thành Tây và đến cuối năm 2017 nắm cổ phần chi phối trường đại học này. "Bẻ lái" cho Thành Tây, ông Hồ Xuân Năng phát triển trường này theo định hướng trở thành trường đại học nghiên cứu trình độ cao.

Năm 2018, Viện Nghiên cứu và công nghệ Phenikaa (PRATI) và Viện Nghiên cứu tiên tiến Thành Tây (TIAS) được ra mắt. 

Theo Hải Yến (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)