CTCP Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất niên độ quý II/2022 với điểm nổi bật là lượng tiền và tương đương tiền tăng vọt gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã 'cất két' một khoản lớn tiền. Theo báo cáo, hết quý II/2022, Vinhomes ghi nhận lượng tiền và tương đương tiền lên tới gần hơn 29,8 nghìn tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với con số 4.600 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tiền mặt là 1.919 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng là hơn 3.500 tỷ đồng. Các khoản tương đương tiền là gần 26,3 nghìn tỷ đồng. Các khoản tương đương tiền vào ngày 30/6/2022 bao gồm các khoản đầu tư và các khoản tiền gửi bằng VND tại các ngân hàng thương mại có kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng, hưởng lãi suất từ 3% đến 8%/năm.
Đây là một yếu tố được cho là bền vững khi hầu hết doanh nghiệp bất động sản cũng như doanh nghiệp xây dựng gặp khó trong quý II/2022, khi Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tín dụng bất động sản, chứng khoán trong tình cảnh lạm phát trong nước có thể tăng cao theo những bất ổn trên thế giới.
Tập đoàn Đất Xanh (DXG) của chủ tịch Lương Trí Thìn cũng vừa công bố tình hình kinh doanh quý II/2022 và nửa đầu năm với doanh thu giảm 52% so với cùng kỳ, xuống dưới ngưỡng 1.700 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm hơn một nửa, từ 298 tỷ đồng trong kỳ trước xuống 130 tỷ đồng quý II/2022.
Lũy kế 6 tháng, DXG ghi nhận lợi nhuận đạt 400 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cùng kỳ và chỉ thực hiện được 29% chỉ tiêu lợi nhuận.
FLCHomes cũng vừa báo lỗ 50 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Vinhomes và một số doanh nghiệp bất động sản, xây dựng không tươi sáng trong quý II trong tình cảnh lạm phát trong nước có thể tăng cao theo những bất ổn trên thế giới. Với lượng tiền mặt lớn, một số doanh nghiệp có cơ hội mở rộng quỹ đất và chờ kinh tế vĩ mô cải thiện cũng như thị trường bất động sản sôi động trở lại. Nhiều dự báo cho rằng, một vài tháng tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ mở thêm room tín dụng cho một số ngân hàng. Thị trường bất động sản khi đó sẽ bớt áp lực.
Thận trọng ở ngưỡng 1.200 điểm
Theo BSC, hôm 28/7, thị trường bật tăng 17 điểm, vượt lên trên ngưỡng 1.200 với thanh khoản lớn. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 26/30 mã thuộc nhóm VN30 tăng điểm, 15/19 ngành đóng cửa trong sắc xanh, trong đó ngành ngân hàng đóng vai trò là trụ đỡ. Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên cả hai sàn HoSE và HNX. Trong những phiên tiếp theo, VN-Index có thể sẽ test lại mốc 1.200.
SHS cho rằng, thị trường sẽ rung lắc kiểm tra lại vùng hỗ trợ tâm lý. Theo đó, VN-Index đã vượt được xu hướng giảm giá kéo dài và vùng kháng cự tâm lý 1.200 với khối lượng gia tăng tốt trên mức trung bình. Kỳ vọng chỉ số sẽ rung lắc kiểm tra lại vùng hỗ trợ tâm lý để thu hút dòng tiền ngắn hạn gia tăng và tiếp tục kiểm tra lại đỉnh giá năm 2018 tương ứng 1.211 trong những phiên tới. Trên góc nhìn dài hạn, thị trường đang có xu hướng tích lũy chặt chẽ dần. Định giá hiện tại của thị trường vẫn đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm trong bối cảnh nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp niêm yết trên sàn được dự báo tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm 2022. Với tăng trưởng GDP quý III được dự báo hơn 9% trên nền thấp của cùng kỳ năm trước.
Chốt phiên giao dịch 28/7, chỉ số VN-Index tăng 17,08 điểm lên 1.208,12 điểm. HNX-Index tăng 5,32 điểm lên 289,84 điểm. Upcom-Index tăng 0,63 điểm lên 89,5 điểm. Thanh khoản đạt 17,7 nghìn tỷ đồng, trong đó có 15,3 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
Theo M. Hà (VietNamNet)