Rạng sáng ngày 14/6, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất đồng USD lần thứ hai trong năm 2018 và dự kiến sẽ còn tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay. Điều này có tác động lớn, khiến đồng USD tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác, trong đó có VND.
Theo đó, chỉ sau 9 phiên kể từ hôm có quyết định từ bên kia bán cầu, tỷ giá trung tâm liên tiếp được điều chỉnh tăng tổng cộng tới 42 đồng, tương đương 0,19%, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng khoảng 50 đồng, tương đương 0,22% trong khi đồng bạc xanh trên thị trường tự do cũng vượt ngưỡng 23.000 đồng.
Vậy, việc tỷ giá tăng khá nóng trong một thời gian ngắn sẽ có tác động như thế nào đến các doanh nghiệp trong nước, đến tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán? Và liệu Việt Nam có nguy cơ phải chịu một cú sốc tỷ giá trong năm nay? BizLIVE đã có cuộc phỏng vấn với một số chuyên gia xung quanh vấn đề này.
Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt tỷ giá
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank – Kim Eng (MBKE)
Xu hướng USD trên thị trường tài chính quốc tế đang tăng rất mạnh khi FED liên tục tăng lãi suất đã đẩy rất nhiều đồng tiền khác trên thị trường ngoại hối rớt thê thảm.
Đồng VND dù được neo chung với USD nhưng nếu tăng giá quá mạnh so với những đồng tiền khác cũng không tốt mà giảm mạnh cũng không tốt nên việc NHNN điều chỉnh tăng chậm vừa phù hợp với xu hướng quốc tế giữ đồng VND không mất giá mạnh so với USD để duy trì cán cân thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp và cũng không để VND tăng giá quá mạnh với những đồng tiền khác, theo tôi mà một chính sách phù hợp vào thời điểm này.
Nếu tỷ giá vẫn duy trì ổn định với mức trượt giá của VND với USD vừa phải thì các doanh nghiệp có nhiều hoạt động xuất khẩu có lợi nhiều hơn. Tuy nhiên cần lưu ý việc FED và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đang đua nhau tăng lãi suất và nếu đồng VND mất giá nhanh hơn nữa cùng với lạm phát nếu tăng mạnh hơn, thì nhiều khả năng chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ thắt chặt hơn.
Như vậy các doanh nghiệp dù có xuất khẩu hay không đều bị ảnh hưởng tiêu cực nhất định. Vì thế các doanh nghiệp có sự chuẩn bị cho những điều này cho chiến lược kinh doanh của họ sẽ là những doanh nghiệp thích nghi tốt và thậm chí tăng trưởng còn mạnh mẽ hơn.
Nếu tỷ giá tăng mạnh hơn mức kiểm soát sẽ ảnh hưởng nhiều tới dòng vốn, đặt biệt là vốn ngoại vào nền kinh tế và thị trường tài chính. Đơn giản vì khi quy đổi sang VND các nhà đầu tư có khả năng bị lỗ tỷ giá trước khi kịp đầu tư hay kinh doanh gì đó.
Vì vậy các nhà đầu tư nước ngoài và cả trong nước sẽ theo dõi sát yếu tố này. Vì nếu tỷ giá được kiểm soát tốt thì việc VND mất giá nhẹ với USD và tăng giá với các đồng tiền khác thì doanh nghiệp và thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn được hỗ trợ trong bối cảnh TTCK đang giảm giúp giá nhiều cổ phiếu hợp lý hơn, mở ra nhiều cơ hội đầu tư hơn nên việc mất giá nhẹ với USD so với cơ hội lớn sẽ dễ được chấp nhận hơn.
Chưa kể VND tăng giá với những đồng tiền khác ví dụ như Euro hay Yên Nhật, nơi các quốc gia đầu tư khá nhiều vào Việt Nam cũng sẽ là lợi thế nhất định cho các nhà đầu tư từ khu vực này.
Các doanh nghiệp nào chuẩn bị tốt cho xu hướng tỷ giá, như cân đối với việc xuất khẩu và nhập khẩu, kinh doanh ở thị trường sử dụng USD và thị trường sử dụng các đồng tiền khác sẽ làm lợi cho chính mình. Ví dụ như xuất khẩu qua những có nước sử dụng USD nhưng nhập khẩu từ những quốc gia còn lại.
Và dĩ nhiên những doanh nghiệp linh hoạt và thích ứng trong mọi hoàn cảnh là những doanh nghiệp sẽ được các dòng tiền đầu tư quan tâm nhiều nhất và ngược lại.
Giá thép chuẩn bị tăng vì tỷ giá
Ông Đỗ Duy Thái, thành viên HĐQT CTCP Thép Pomina
Tỷ giá USD/VND đã tăng so với trước đây và có lúc đã lên trên 23.000 VND/USD trên thị trường tự do. Tác động từ việc tỷ giá tăng sẽ dẫn đến giá thành thép phải tăng. Từ ngày 26/6/2018, thép Pomina sẽ tăng thêm 200 đồng/kg, tương đương 200.000 đồng/tấn. Giá thành sản phẩm tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, họ phải mua thép giá cao hơn so với trước là không thể tránh khỏi.
Để đánh giá tác động của tỷ giá USD/VND tăng có tác động đến lợi nhuận của thép Ponima không, hiện chưa xác định được. Lượng hàng bán ra phụ thuộc vào cung - cầu thị trường, chưa thể đoán định ngay trong trường hợp này.
Từ trước đến giờ, khi tỷ giá tăng tác động lên giá thép hay giá cả một số mặt hàng khác thì người mua vẫn phải chịu và chấp nhận. Nhưng điều đáng nói là người tiêu dùng là người cuối cùng chịu tác động rõ ràng nhất.
Việc tăng nhiều hay ít của tỷ giá USD/VND ngoài những vấn đề trong nước cũng còn phụ thuộc nhiều vào đồng USD và một số đồng tiền mạnh trên thế giới. Chẳng hạn, sự kiện Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ ở mức 4,6% vào tháng 8/2015 đã khiến cho thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam chao đảo. Để ứng phó với những biến động này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã buộc phải điều chỉnh tỷ giá USD/VND thêm 1%, đồng thời nới biên độ giao dịch tỷ giá từ +/- 1% lên +/- 3%.
Đối với doanh nghiệp thép cũng đoán định xu hướng USD tăng giá mỗi năm so với VND. Dù doanh nghiệp có chuẩn bị hay phòng thủ nhưng nếu tỷ giá tăng quá mạnh doanh nghiệp cũng không tránh khỏi cú sốc tỷ giá.
Sẽ không có biến động sốc
TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế
Biến động lần này của tỷ giá chủ yếu là do ảnh hưởng từ biến động trên thị trường thế giới. Do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất liên bang tham chiếu thêm 25 điểm % lên khoảng 1,75-2%.
Fed cũng cho biết cơ quan này dự kiến nâng lãi suất tới 4 lần trong năm nay, cao hơn 3 lần như dự báo đưa ra hồi tháng 3.
Động thái này của Ngân hàng trung ương Mỹ đã khiến đồng USD trên thị trường thế giới tăng giá, từ đó, tác động đến tỷ giá trong nước.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm tới giờ, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng khoảng 0,9%, chưa đáng ngại.
NHNN đang có một cơ chế điều hành tỷ giá rất tốt là tỷ giá trung tâm, tức là tỷ giá sẽ được điều chỉnh hàng ngày nên sẽ không có biến động sốc đối với thị trường mà sẽ lên xuống nhịp nhàng theo thị trường thế giới.
Đồng VND sẽ chỉ giảm 1,5% - 2% trong năm nay
TS.LS Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân BizLight
Trong khi nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá mạnh mà đồng VND vẫn khá ổn định như trong thời gian này là có nhiều lý do như thanh khoản USD dồi dào, dự trữ ngoại hối đã lên tới hơn 63 tỷ USD.
Trong khi đó, chúng ta cũng còn nhiều chính sách, căn cứ hỗ trợ để VND chỉ mất từ 1,5%-2% trong năm nay để giúp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lãi suất, lạm phát đạt được mục tiêu đề ra là 4%.
Nói chung, tôi cho rằng chúng ta có đủ lực để điều hành tỷ giá giảm trong mức dự kiến, chưa kể năm nay chúng ta sẽ cổ phần hóa một loạt các doanh nghiệp Nhà nước. Theo dự báo, năm nay việc cổ phần hóa sẽ giúp thu về khoản tiền hàng chục tỷ USD. Dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, bất động sản cũng là nguồn vô cùng quan trọng.
Tất nhiên, chúng ta cũng không loại trừ những biến động quá sốc như lãi suất đồng USD tăng mạnh hơn so với dự báo, như thay vì tăng 4 lần Fed sẽ tăng 5, 6 lần, hay mỗi lần thay vì tăng 0,25 điểm %, Fed sẽ tăng 0,5 điểm %, 0,75 điểm% thì tỷ giá có thể vượt mức 2% nhưng với tình hình hiện nay, tôi cho rằng đến cuối năm tỷ giá sẽ chỉ tăng 1,5%-2% như dự báo.
Theo H.Trâm - T.Thúy - L.Anh (Bizlive.vn)