Kể từ ngày 1/4, ông Koji Sato sẽ thay thế ông Akio Toyoda để nắm giữ vai trò Tổng giám đốc và Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn xe hơi Nhật Bản Toyota. Ông Akio Toyoda- cháu trai nhà sáng lập Toyoda Kiichiro sẽ chỉ giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị. Thông tin được đưa ra hôm 26/1 gây chấn động ngành công nghiệp xe hơi Nhật Bản vốn mang đậm dấu ấn truyền thống gia đình trị.
Toyota được sáng lập bởi ông Toyoda Kiichiro vào năm 1937. Qua 86 năm phát triển, những người đứng đầu điều hành hãng xe hơi Nhật Bản này đều thuộc gia tộc Toyoda.
Mặc dù Koji Sato không phải là người ngoại tộc đầu tiên ngồi vào vị trí quyền lực này nhưng ông vẫn sẽ chịu áp lực rất lớn trước nhiệm vụ đổi mới để dẫn dắt hãng xe hơi Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng, bắt kịp những xu thế mới trong ngành sản xuất ô tô toàn cầu.
Tân CEO Toyota 53 tuổi đã gắn bó cả thời tuổi trẻ cho gia tộc Toyoda. Ông được biết đến là một kỹ sư dày dặn kinh nghiệm, giỏi cả về chuyên môn và quản trị.
Năm 1992, ông tốt nghiệp Đại học Waseda với chuyên ngành kỹ thuật cơ khí và bắt đầu gia nhập "gia đình Toyota". Ông gắn bó với công việc chế tạo ô tô cùng Toyota trong suốt 30 năm qua, bao gồm dòng sản phẩm Prius, loại xe hybrid hàng đầu của Toyota và xe đua Corolla chạy bằng nhiên liệu hydro.
Năm 2016, ông trở thành Giám đốc kỹ thuật của Lexus. Năm 2020, ông trở thành Chủ tịch của Lexus International và Gazoo Racing. Tháng 1/2021, ông được bổ nhiệm là Giám đốc thương hiệu Toyota.
Ông Akio Toyoda đánh giá Koji Sato là người đã "làm việc tận tụy, biết tiếp thu kỹ thuật, tác phong và triết lý của Toyota", đó là lý do chính để vị kỹ sư kỳ cựu này được bổ nhiệm vào cương vị Tổng giám đốc của Toyota.
Nhà phân tích Seiji Sugiura của Viện nghiên cứu Tokai Tokyo cho biết: "Koji Sato là người có tính cách gần như giống với tân Chủ tịch Toyoda, luôn đòi hỏi sự phối hợp của hàng trăm kỹ sư tham gia sản xuất ô tô".
Mặc dù Koji Sato không phải là ứng cử viên hàng đầu cho những người kế nhiệm Akio Toyoda, nhưng kỹ năng quản lý của ông đã được chứng nhận trong suốt sự nghiệp 30 làm việc tại Toyota.
Một vị giám đốc điều hành từng làm việc với Koji Sato từ những ngày đầu tiên nhận xét: "Anh ấy luôn duy trì tính cách mạnh mẽ, cách tiếp cận thực tế và hành động dựa trên niềm tin rằng không thể tạo ra điều gì mới nếu không đẩy mọi thứ đến giới hạn".
Chia sẻ trên Reuters, ông Koji Sato tiết lộ rằng, ông đã được ông Akio Toyoda đề nghị vị trí CEO khi cả hai ở Thái Lan tham dự sự kiện kỷ niệm 60 năm Toyota hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á. Lúc đó, "tôi không biết nên phản ứng ra sao. Tôi nghĩ đó là câu nói đùa", Koji Sato thuật lại.
Sự nghiệp 30 năm tại Toyota với xuất bản điểm là một kỹ sư cơ khí trẻ tuổi cho đến vị trí quyền lực cao nhất- người đứng đầu điều hành Tập đoàn hẳn sẽ là một câu chuyện khơi gợi cảm hứng cho nhiều người trẻ hiện nay.
Tuy nhiên, chặng đường năm thứ 31 tại Toyota đối với người ngoại tộc Koji Sato là không dễ dàng.
Ngày hôm qua, cổ phiếu của Toyota chỉ tăng nhẹ ở Nhật Bản và Mỹ, cho thấy các nhà đầu tư có lẽ chưa đặt nhiều sự tin tưởng đối với nhà lãnh đạo mới. Đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tại Tokyo, cổ phiếu của Toyota được giao dịch ở mức 1900,5 Yên, chỉ tăng 0,4% so với ngày hôm trước.
Hiện tại, Toyota phải đối mặt với nhiều vấn đề trong ngắn hạn. Chi phí nguyên vật liệu tăng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của Tập đoàn. Dự kiến triển vọng lợi nhuận ròng cả năm cho năm tài chính 2022 là 2,36 nghìn tỷ Yên (18,15 tỷ USD), giảm 17% so với năm trước.
Tình trạng thiếu chất bán dẫn và nguồn cung linh kiện cũng khiến Tập đoàn thận trọng đưa ra kế hoạch năm 2023 với mục tiêu sản lượng sản xuất tối đa chỉ là 10,6 triệu xe. Năm 2022, Toyota cũng đã phải nhiều lần điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất.
Đặc biệt, chiến lược phát triển dài hạn của Toyota có thể sẽ phải thay đổi đối với vấn đề xe điện khi hàng loạt quốc gia và các hãng xe đã và đang trong lộ trình thực hiện "xanh hoá các phương tiện giao thông" để cắt giảm lượng khí thải CO2 theo cam kết CoP26.
Tuy nhiên, "vị tân Chủ tịch Toyoda có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của công ty và CEO mới Koji Sato dường như không phải là kiểu người làm mọi việc theo cách của mình mà không hỏi ý kiến của lãnh đạo cấp trên", nhà phân tích Sugiura của Tokai Tokyo nhận định.
Trong vài năm qua, ông Akio Toyoda đã thăng chức cho các nhà quản lý ở độ tuổi từ giữa 40 đến giữa 50 lên các vị trí cấp cao với mục tiêu tìm kiếm người kế nhiệm. Ông thậm chí còn nói riêng với ban quản lý của Toyota là công ty sẽ gặp rủi ro lớn nhất nếu ông vẫn tiếp tục làm CEO.
Theo Ngô Minh (VietNamNet)