Hơn 300 ngàn người xem cùng lúc, 80.000 lượt xem, 11 triệu tim và 58.000 người mua hàng cùng lúc khiến Tiktok Shop Đông Nam Á sập sàn, doanh thu ước tính của buổi livestream bán hàng là 1,5 triệu USD.
Đó là những con số mà Võ Hà Linh, hay cộng đồng mạng gọi là “Chiến thần review” với 1,7 triệu người theo dõi trên Facebook và 3,3 triệu người theo dõi kèm 68 triệu lượt like trên Tiktok, đã làm được trong buổi livestream bán hàng vào ngày 4/4 vừa qua.
Đây là một hiện tượng, nó cho thấy rằng xu hướng bán hàng livestream (Bán hàng trực tiếp - D2C) đã bắt đầu phát triển lên một nấc thang mới tại Việt Nam, sau vài năm manh nha vừa qua.
Thực ra đây là một hình thức bán hàng không mới, ở Trung Quốc đã phát triển trong 5 năm qua với 2 đế chế rất mạnh là Taobao Live và Douyin (tên của TikTok ở Trung Quốc) cùng hàng chục ngàn mạng lưới bán hàng đa kênh khác.
Những buổi livestream bán hàng trên các nền tảng lớn này đem về doanh thu hàng tỷ USD. Một cái tên KOL rất nổi tiếng của ngành công nghiệp này là Hoàng Vi Á, “nữ hoàng livestream”, người bị phạt trốn thuế 210 triệu USD năm 2021. Vi Á thậm chí đã bán được 1 chiếc tên lửa với giá 40 triệu NDT (6,3 triệu USD) vào năm 2020.
Tại Việt Nam, hình thức bán hàng Livestream bắt đầu manh nha từ năm 2021 và được đẩy mạnh trong nửa cuối năm 2022 khi TikTok Shop xuất hiện. Trước đây hình thức bán hàng này chủ yếu xuất hiện trên Facebook và sau đó là trên các sàn thương mại điện tử và nổi lên thành hiện tượng khi TikTok Shop ra đời. Bên cạnh Hà Linh có một người nổi danh không kém cũng đi lên từ bán hàng trên Facebook là Phạm Thoại, với livestream bán quần áo. Bên cạnh đó có những đơn vị đang sở hữu hàng triệu KOC (Key Opinion Consumer: những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường. Công việc chính của họ là thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và đưa ra những nhận xét, đánh giá.) được dùng để phát triển hình thức bán hàng này.
Việc hình thức D2C nổi lên và phát triển mạnh trong nửa cuối năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023 khi TikTok Shop xuất hiện, đòi hỏi các nhà bán hàng truyền thống phải bắt đầu có những hướng thay đổi để tồn tại, nếu không sẽ “chết” vào một ngày không xa là điều khó tránh khỏi.
Bởi D2C cho phép bán hàng với giá rẻ hơn do chỉ mất chi phí lưu kho và vận chuyển, trong khi đó bán hàng truyền thống đòi hỏi qua nhiều bước trung gian, đi kèm đó là các mức chiết khấu, khiến cho giá mặt hàng được bán tăng lên rất cao. Chẳng hạn như trong buổi livestream sập sàn của Hà Linh vừa qua, 2 sản phẩm của Dược phẩm Hoa Linh là dầu gội Nguyên Xuân màu xanh và màu nâu được bán với giá lần lượt là 18.000 đồng và 11.000 đồng, trong khi giá ở các đại lý đang là 70-80.000 ngàn đồng.
Là một hiện tượng, nhưng có thể nói buổi bán hàng của Hà Linh vừa qua là chưa chuyên nghiệp và nó tạo ra khủng hoảng lớn cho Dược phẩm Hoa Linh, thậm chí có thể giết chết luôn mặt hàng này của công ty.
Bởi mức giá bán đã không được nhà cung cấp và người bán làm rõ, điều này đã khiến cho các nhà phân phối hay đại lý đang bán cùng sản phẩm này “chết đứng”, khi họ đang bán với mức giá cao 70 - 80.000 đồng ở trên, thì giờ nhà cung cấp kết hợp với KOC bán với giá thấp hơn 4-5 lần. Chính vì thế, nhiều nhà phân phối và hệ thống đại lý bán hàng đã quyết định tẩy chay mặt hàng này và đưa ra khỏi hệ thống, khiến Hoa Linh trở nên điêu đứng và phải đưa ra lời xin lỗi ngay trong ngày hôm nay, nhưng có vẻ như mọi việc đã quá muộn.
Cho nên tính chuyên nghiệp trong bán hàng D2C cần phải được thực hiện ngay từ lúc ban đầu, KOC và nhà cung cấp cần làm rõ về loại hàng và mức giá bán ngay từ đầu để không xảy ra sự cố đáng tiếc như trên. Tiếp theo đó, thuế cũng là một vấn đề mà các nền tảng, nhà cung cấp và KOC cần chú ý, bởi nó cần phải được đóng đầy đủ khi thực hiện hình thức bán hàng này.
Theo Lê Mỹ (VietNamNet)