Báo cáo "Chỉ số tự do kinh tế 2018" được Quỹ Heritage ở Washington (Mỹ) công bố hôm 2-2 (giờ địa phương). Báo cáo đánh giá chung rằng kinh tế thế giới phát triển ở mức độ tự do vừa phải và năm 2017 là năm thứ sáu liên tiếp chỉ số tự do kinh tế bình quân thế giới tiếp tục tăng. Điểm bình quân đạt 61,1/100, mức cao nhất trong lịch sử xếp hạng và cao hơn 3 điểm so với lần công bố chỉ số đầu tiên vào năm 1995.
Tổng điểm của Việt Nam tăng 0,7 điểm nhờ Việt Nam nỗ lực cải cách chính sách thuế, tăng cường chính phủ liêm chính và gia tăng hiệu quả của bộ máy pháp luật
Ghi nhận của báo cáo “Chỉ số tự do kinh tế 2018”
Kinh tế càng tự do, thu nhập càng cao
Báo cáo "Chỉ số tự do kinh tế 2018" xếp hạng 180 nền kinh tế, trong đó 102 nền kinh tế đã cải thiện chỉ số tự do kinh tế, 75 nền kinh tế giảm chỉ số này và 3 nền kinh tế giữ nguyên chỉ số. Có 6 nền kinh tế được xếp hạng "tự do" (từ 80 điểm trở lên) và 90 nền kinh tế thuộc hạng "cơ bản tự do" (70 - 79,9 điểm) hoặc hạng "tự do vừa phải" (60 - 69,9 điểm).
Như vậy có 96 nền kinh tế đã tạo môi trường thể chế thuận lợi cho các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân. Dù vậy, vẫn còn 63 nền kinh tế được đánh giá là "cơ bản không tự do" (50 - 59,9 điểm) và 21 nền kinh tế thuộc hạng tự do kinh tế "bị áp chế" (dưới 50 điểm).
Báo cáo ghi nhận ở các nền kinh tế thuộc hạng "tự do" và "cơ bản tự do", thu nhập bình quân đầu người cao hơn hai lần so với bình quân các nước và cao hơn năm lần so với các nền kinh tế thuộc hạng "bị áp chế".
10 nền kinh tế thuộc top 10 lần lượt là Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, New Zealand, Thụy Sĩ, Úc, Ireland, Estonia, Anh, Canada và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). 10 nền kinh tế đứng cuối bảng gồm CHDCND Triều Tiên, Venezuela, Cuba, Congo, Eritrea, Guinea Xích đạo, Zimbabwe, Bolivia, Algeria và Djibouti.
Việt Nam xếp hạng 141/180 với 53,1 điểm, mức tổng điểm thấp hơn điểm bình quân khu vực và thế giới. Trong 43 nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng hạng 35, thua Lào (53,6 điểm, hạng 34), Myanmar (53,9 điểm, hạng 33) và Campuchia (58,7, điểm hạng 22).
Báo cáo nhận xét tổng điểm của Việt Nam đã tăng 0,7 điểm so với năm trước nhờ nỗ lực cải cách chính sách thuế, tăng cường chính phủ liêm chính và gia tăng hiệu quả của bộ máy pháp luật. Ngược lại, Việt Nam vẫn còn thấp điểm về các chỉ số tự do thương mại, quyền tư hữu và tự do lao động.
Vì sao Hong Kong?
Trong báo cáo "Chỉ số tự do kinh tế 2018", đặc khu Hong Kong tiếp tục giữ danh hiệu nền kinh tế tự do nhất thế giới suốt 24 năm qua với 90,2 điểm, thậm chí còn tăng 4 điểm so với năm trước nhờ các yếu tố như sau: tiếp tục cải thiện chính quyền liêm chính, phát triển tự do kinh doanh và tự do tiền tệ, bù lại chỉ số về quyền tư hữu có giảm.
Báo cáo ghi nhận tại Hong Kong, khuôn khổ pháp lý chất lượng cao đã tạo nền tảng bảo vệ hiệu quả các quyền tư hữu và thúc đẩy mạnh mẽ nhà nước pháp quyền. Chính quyền ngày càng liêm chính nhờ không khoan dung với nạn tham nhũng và tăng cường tính minh bạch. Hiệu quả của pháp luật và chính sách mở cửa thương mại toàn cầu đã tạo môi trường kinh doanh năng động. Hong Kong duy trì liên kết kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc đại lục qua các lĩnh vực tài chính và thương mại.
Viện nghiên cứu Fraser của Canada đánh giá kinh tế Hong Kong tự do nhất thế giới, có tính cạnh tranh cao nhất thế giới và thuế thấp thứ ba thế giới nhờ ba yếu tố: 1/ bộ máy chính quyền tinh gọn (dân số 7,4 triệu), do đó chi tiêu công không tốn kém nhiều; 2/ các quy định pháp luật về kinh tế rất linh hoạt và hiệu quả; 3/ Hong Kong đã thực hiện nhiều chính sách mở cửa thị trường thương mại.
Chính quyền đặc khu Hong Kong đã hoan nghênh báo cáo "Chỉ số tự do kinh tế 2018" vừa công bố. Vụ trưởng Tài chính Hong Kong Trần Mậu Ba (Paul Chan) cam kết chính quyền Hong Kong sẽ tiếp tục bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi, thương mại tự do và cởi mở, chế độ thuế thấp và đơn giản, quản lý theo pháp luật và tư pháp độc lập...
Chỉ số tự do kinh tế được Quỹ Heritage công bố hằng năm từ năm 1995. Chỉ số đánh giá bốn nhóm lĩnh vực gồm luật pháp, quy mô chính phủ, hiệu quả điều tiết và thị trường tự do.
Bốn nhóm này gồm 12 tiêu chí kinh tế: quyền tư hữu, hiệu quả tư pháp, chính phủ liêm chính, gánh nặng thuế, chi tiêu công, tình hình tài chính, tự do kinh doanh, tự do lao động, tự do tiền tệ, tự do thương mại, tự do đầu tư và tự do tài chính.
Dữ liệu nghiên cứu được các tổ chức quốc tế uy tín thu thập như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, bộ phận phân tích của tạp chí kinh tế The Economist (Anh). Chỉ số tự do kinh tế xếp theo thang điểm 100.
Theo Duy Long (Tuổi Trẻ)