Từ đại gia xuất khẩu cá tra đến khoản lỗ nghìn tỷ đồng

26/10/2016 18:57:00

Khoản lỗ gần 448 tỷ đồng trong quý III đã nâng số lỗ lũy kế của Việt An lên gần 1.685 tỷ.

Khoản lỗ gần 448 tỷ đồng trong quý III đã nâng số lỗ lũy kế của Việt An lên gần 1.685 tỷ. 

Theo Báo cáo tài chính mới được Công ty cổ phần Việt An - Anvifish (Mã CK: AVF) công bố, công ty tiếp tục ghi nhận kết quả lỗ gần 448 tỷ đồng trong quý III, đánh dấu quý lỗ liên tiếp thứ 11 kể từ đầu 2014 đến nay. 

Được thành lập từ 2004, Anvifish hoạt động trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản, trong đó trọng tâm là xuất khẩu các sản phẩm từ cá tra. Đến tháng 2/2007, doanh nghiệp chính thức được chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 50 tỷ đồng.

tu-top-3-doanh-nghiep-xuat-khu-ca-tra-den-khoan-lo-nghin-ty-dong

Từ vị trí Top 3 năm 2010, Anvifish đã xuống vị trí thứ 9 trong số những công ty xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam vào năm 2013, sau đó rời tiếp khỏi Top 15 trong quý I/2014.

Trước năm 2008, thị trường chính của công ty là EU với tỷ trọng xuất vào thị trường này năm 2007 chiếm khoảng 84%, đứng sau là Nga, trong khi tỷ trọng xuất sang Mỹ chỉ chiếm 3-4%. Bước ngoặt của Anvifish xuất hiện vào tháng 8/2008, khi công ty được áp dụng mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ chỉ 0,52%, trong khi các doanh nghiệp cùng ngành chịu mức thuế gần 64%. Hoạt động của công ty theo đó cũng tăng trưởng đang kể.

Năm 2009, giá trị xuất khẩu của Anvifish vào thị trường Mỹ tăng vọt lên hơn 20 triệu USD, so với mức hơn 1 triệu USD của năm 2008, tỷ trọng xuất vào thị trường này trong cơ cấu doanh thu tăng lên 34%. Doanh thu thuần trong năm này của công ty đạt hơn 1.221 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với 2008. Lợi nhuận sau thuế gần 75 tỷ đồng, gấp 10 lần.

Đến năm 2010, doanh thu của Anvifish tăng lên gần 1.586 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 81 tỷ. Theo thống kê của Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), Anvifish xuất khẩu hơn 35 triệu USD, chiếm 4,52% thị phần và đứng Top 3 các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa trong 7 tháng đầu năm 2010.

Tuy nhiên, năm 2010 là năm có kết quả kinh doanh cao nhất mà Anvifish đạt được. Những năm sau đó, mặc dù doanh thu tiếp tục tăng nhưng biên lãi gộp dần sụt giảm khiến lợi nhuận của doanh nghiệp teo tóp. 

Đến đầu 2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra phán quyết đối với việc lựa chọn nước thứ ba để tính thuế chống bán phá giá đối với cá tra, basa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ khiến những doanh nghiệp phải chịu mức thuế tăng mạnh, trong đó có Anvifish. Chuyển dịch cơ cấu thị trường chính khiến biên lãi gộp sụt giảm mạnh, nên mặc dù doanh thu vẫn ở mức hơn 1.500 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế năm 2013 của Anvifish còn chưa tới 18 tỷ.

Không còn hưởng lợi do việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ bị thu hẹp, từ vị trí Top 3 năm 2010, Anvifish đã xuống vị trí thứ 9 trong số những công ty xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam vào năm 2013 và sau đó rời khỏi Top 15 trong quý I/2014.

Đến quý IV/2014, việc kiểm kê đánh giá lại giá trị thực thành phẩm hàng tồn kho và chi phí dở dang vùng nuôi khiến công ty phải ghi nhận phần hao hụt hàng trăm tỷ đồng vào chi phí trong kỳ, cùng với khoản chi phí quản lý tăng mạnh dẫn đến khoản lỗ hơn 700 tỷ đồng. Cả năm 2014, Anvifish lỗ gần 900 tỷ. Hoạt động kinh doanh những năm sau đó tiếp tục kịch bản như năm 2014, đưa con số lỗ lũy kế của công ty tính đến 30/9 lên gần 1.685 tỷ đồng, gấp 4 lần vốn điều lệ.

Cùng với hoạt động kinh doanh lao dốc, từ mức giá cổ phiếu khi chính thức giao dịch trên HOSE là 25.000 đồng vào năm 2010, đến nay sau khi chuyển xuống giao dịch tại UPCoM, thị giá cổ phiếu AVF chỉ còn 400 đồng.

Theo Minh Sơn (VnExpress.net)