Luật BHXH năm 2024 đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 với nhiều nội dung quan trọng như thay đổi điều kiện hưởng lương, thêm quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện...
Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu từ ngày 1/7/2025
Theo Luật BHXH 2014 hiện hành, người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Như vậy, điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu theo quy định hiện hành là có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75%.
Về mức hưởng trợ cấp này được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Như vậy, theo quy định hiện hành, mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu = 0,5 X bình quân tiền lương tháng đóng BHXH X Số năm đóng BHXH vượt quá tỷ lệ 75%.
Tuy nhiên, theo Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, quy định này có sự điều chỉnh. Cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật BHXH 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025), lao động nam có thời gian đóng BHXH cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng BHXH cao hơn 30 năm thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Như vậy, từ ngày 1/7/2025, điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là có thời gian đóng BHXH cao hơn:
- 35 năm đối với lao động nam.
- 30 năm đối với lao động nữ.
Mức hưởng trợ cấp một lần cũng có sự thay đổi và được quy định tại Khoản 2 Điều 68, chia thành 2 trường hợp.
Trường hợp 1: Người lao động hưởng chế độ hưu trí tại thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu:
Mức hưởng trợ cấp một lần bằng 0,5 lần bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn quy định cho tới tuổi nghỉ hưu.
Trường hợp 2: Người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục đóng BHXH
Mức trợ cấp bằng 2 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng cao hơn số năm quy định.
Cách tính trợ cấp 1 lần
Để hiểu rõ hơn và thấy được sự khác nhau về mức hưởng trợ cấp 1 lần của Luật BHXH 2014 và Luật BHXH năm 2024, người lao động có thể tham khảo ví dụ dưới đây.
Ví dụ: Ông D. làm việc trong điều kiện lao động bình thường, tại thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu có 38 năm đóng BHXH nhưng ông D. không nghỉ việc hưởng lương hưu mà tiếp tục làm việc và đóng BHXH thêm 3 năm mới nghỉ việc hưởng lương hưu. Khi nghỉ việc hưởng lương hưu ông D. có tổng thời gian đóng BHXH là 41 năm. Trong đó:
- 3 năm đóng BHXH cao hơn 35 năm trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu.
- 3 năm đóng BHXH cao hơn 35 năm kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu.
Như vậy, ông D. có 06 năm đóng thêm BHXH, ngoài lương hưu ông D. còn được hưởng trợ cấp một lần được tính như sau:
Mức hưởng trợ cấp tính theo Luật BHXH 2014:
Mức hưởng trợ cấp 1 lần = Số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75% x 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
= 6 x 0,5 = 3
Như vậy, ông D. được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu theo Luật BHXH 2014 là: 3 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Mức hưởng trợ cấp tính theo Luật BHXH 2014:
- 3 năm đóng BHXH cao hơn 35 năm trước thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu: 3 năm x 0,5 = 1,5.
- 3 năm đóng BHXH cao hơn 35 năm kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu: 3 năm x 2 = 6.
Như vậy, ông D. được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu theo Luật BHXH 2024 là: 1,5 + 6 = 7,5 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Như vậy, so với mức hưởng 3 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo Luật BHXH 2014, mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu mà ông D. nhận được theo Luật BHXH sẽ tăng hơn nhiều lần.
Với mức trợ cấp tăng như vậy, người lao động sẽ có thêm một khoản hỗ trợ tài chính đáng kể khi nghỉ hưu.
(Trên đây chỉ là ví dụ minh họa cách tính mức hưởng trợ cấp 1 lần theo Luật BHXH 2014 và Luật BHXH 2024, để biết rõ hơn mức trợ cấp được hưởng hàng tháng, người lao động có thể liên hệ cơ quan BHXH địa phương).
Theo Hạ Vũ (Phụ Nữ Thủ Đô)