Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh liên quan đến vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải cách chi ngân sách, nợ công tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy" vừa diễn ra sáng nay (15/11) tại Hà Nội.
Các tỉnh không quan tâm đổi mới, sáng tạo
Trong phản biện với lãnh đạo Chính phủ, Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, các bộ ngành, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước về thực trạng và cải cách mô hình tăng trưởng, phát triển của Việt Nam thời gian tới, ông Doanh nhấn mạnh: Các đánh giá của tổ chức thế giới về kinh tế Việt Nam thời gian qua khá sáng song chúng ta không thể hài lòng với hiện tại.
Ông Doanh cho rằng: Theo đánh giá của WB, môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhưng thể chế cải thiện từ điểm 82 lên 79 tức là đứng sau năng lực cạnh tranh của nền kinh tế 24 bậc. Điều này làm hạn chế tiềm năng tăng trưởng kinh tế.
"Tình hình tài chính bội chi ngân sách nợ công rất đáng quan ngại và cần có giải pháp cấp bách. Ta cứ nói phải chấp nhận thông lệ quốc tế về thu nhưng thông lệ quốc tế chi không thấy ai nói cả, phải công khai trên mạng để báo chí người dân đều biết, chứ chi hiện nay là rất tùy tiện", ông Doanh nhấn mạnh.
Vị chuyên gia kinh tế độc lập khẳng định: Thước đo tăng trưởng cần phải chuyển đổi từ khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ sang sáng tạo, dựa vào công nghệ. Các chỉ số đo lường tăng trưởng cần có là chỉ số đổi mới công nghệ, nền kinh tế tri thức, số bằng phát minh sáng chế thế giới công nhận từ Việt Nam…. tất cả cái này phải tham khảo đưa vào chỉ tiêu đánh giá để đảm bảo chất lượng.
Ông Doanh khẳng định: Hiện các địa phương chỉ chú trọng chỉ số GDP không tập trung vào chỉ số công nghệ, môi trường, sáng tạo thì không được xem trọng. Đây là mấu chốt khiến tăng trưởng cao, làm mọi cách để tăng trưởng nhưng chất lượng tăng trưởng hạn chế, tăng trưởng nhưng hiệu quả giảm và không tạo giá trị gia tăng.
“Giấy phép con” nhắm vào doanh nghiệp nội là chính
Tham gia thảo luận, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ, môi trường kinh doanh Việt Nam được cải thiện 2 năm vừa qua đều là minh chứng rõ nét cho sự cải cách.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với DN, họ lại rất sốt ruột vì cải cách chưa thực sự chuyển biến, tạo đột phá. Hai năm qua Chính phủ mới tháo gỡ cơ chế thôi chứ chưa tạo ra thuận lợi hoá, nói cách khác là chưa làm được gì, tháo gỡ còn khó khăn thì chưa thể nói là thuận lợi được.
“Tôi thấy một thực tế là những đánh giá của các tổ chức chủ yếu rà soát ở khu vực, khối DN nước ngoài hơn là khu vực DN Việt, nên những phản ánh đó chủ yếu là của DN nước ngoài.
Hàng loạt các giấy phép con đang nhằm vào DN nội là chính, các biểu hiện nhũng nhiễu của công quyền chủ yếu nhắm vào đối tượng DN nội, còn các DN ngoại họ không dám động vào”, chuyên gia Lan nói.
Bà Lan khẳng định: "Chính vì lẽ trên, tôi cho rằng môi trường kinh doanh đang có đặc điểm là có bất bình đẳng đối với DN trong nước. Các biện pháp cải cách được đưa ra, hướng vào phần lớn DN nước ngoài hơn là DN trong nước".
Trong khi đó, những nỗ lực của Chính phủ về cải cách là rất lớn, hàng loạt Quyết định, Nghị định đưa ra. Tuy nhiên, trên "nóng", dưới "lạnh". "Tôi thấy chính còn các địa phương thì vẫn muốn neo giữ các cách thức quản lý như cũ, không muốn thay đổi hoặc chậm thay đổi", bà Lan nói.
Chuyên gia Lan nói: "Năm 2017 được coi là năm giảm chi phí cho DN, nhưng đã có thống kê nào chi phí đã giảm được bao nhiêu chưa? Trong khi đó, các chi phí đầu vào, chi phí vốn, hạ tầng, chi phí thuế.... lại đang tăng hoặc dự kiến tăng. Như vậy mục tiêu cơ bản, thước đo giảm chi phí cho DN là chưa làm được".
Bà Lan nhấn mạnh: Cái DN muốn nhất hiện nay không phải là việc Chính phủ ra liên tiếp các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh nữa mà phải làm sao khiến DN yên tâm làm ăn.
“Làm sao đối phó với chính quyền không phải là mối quan tâm hàng đầu của DN mà đó phải là cạnh tranh với bên ngoài, tận dụng thị trường để phát triển”, chuyên gia Lan nói.
Theo N.Tuyền (Dân Trí)