Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Nghị quyết sẽ được trình và thảo luận tại Quốc hội bắt đầu từ ngày 14/11 và thông qua ngày 24/11.
Theo đó, Nghị quyết đề xuất cơ chế chính sách đặc thù đối với hàng loạt phạm vi như quản lý đất đai, quản lý đầu từ, quản lý tài chính - ngân sách nhà nước….
Tăng quyền tự quyết ngân sách
Về việc quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước, thành phố được thực hiện cơ chế tạo nguồn vốn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.
Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định của cấp có thẩm quyền quyết định cho cả thời kỳ ổn định ngân sách, HĐND TP.HCM được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố.
Cụ thể, HĐND thành phố cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách.
Các cơ quan hành chính Nhà nước, Đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị và chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở tuân thủ quy định của nghị quyết.
Ngoài ra, TP.HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước… với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
Ngân sách thành phố sẽ được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công.
Ngân sách thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố quản lý.
TP.HCM sử dụng nguồn thu này và ngân sách thành phố để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kể cả đầu tư cho dự án chống ngập và hai bện viện tuyến cuối của thành phố.
Thí điểm thu nhiều loại thuế, phí
Nghị quyết đề xuất HĐND TP.HCM được đề nghị báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản.
Cụ thể, thành phố được thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; Các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật phí và lệ phí.
Tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí nằm trong danh mục kèm theo Luật phí và lệ phí.
Số thu tăng thêm từ các khoản thu trên, ngân sách thành phố được hưởng 100% đề đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố.
Ngoài ra, về quản lý đất đai, HĐND TP.HCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên.
Việc chuyển mục đích phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ trong mỗi kỳ kế hoạch sử dụng đất.
Về quản lý đầu tư, HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố theo quy định của Luật đầu tư công, trừ dự án quy định tại điểm a, b, c và d khoản 1 điều 8 của Luật đầu tư công.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 và được thực hiện trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.
Trước khi hết thời gian thực hiện thí điểm, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Tăng lương để thu hút nhân tài
Cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP.HCM quản lý cũng được đưa ra trong Nghị quyết. Theo đó, HĐND TP.HCM được quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.
Mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của thành phố.
Theo Văn Chương (Tri Thức Trực Tuyến)