Không phải đại gia nào cũng dễ dàng có được tài sản hàng trăm, hàng chục nghìn tỷ đồng trong tay. Họ đều trải qua quá trình lao động, gầy dựng sự nghiệp kinh doanh từ những ngày đầu còn khó khăn, thậm chí là từ hai bàn tay trắng.
Đoàn Nguyên Đức - Bữa cơm trộn sắn nung nấu giấc mơ làm giàu
Ông Đoàn Nguyên Đức sinh ra trong một gia đình đông anh chị em ở tỉnh Bình Định. Những bữa cơm trộn sắn, dắt trâu ra đồng… ăn sâu trong tuổi thơ của đại gia đình đám này.
Năm 1982, sau khi tốt nghiệp THPT, ông Đoàn Nguyên Đức vào TP.HCM với khát vọng làm giàu. Trong một chia sẻ, đại gia này cho biết làm đủ nghề để kiếm sống, tích góp và tìm lối đi riêng. Đáng chú ý, ông Đoàn Nguyên Đức 4 lần thi Đại học nhưng đều không đậu.
Đến năm 1990, sau một thời gian làm thuê, ông quyên góp được một khoản tiền và bắt đầu khởi nghiệp bằng phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh ở quê nhà. Khi hoạt động kinh doanh có hiệu quả, ông lấn sân qua nhiều lĩnh vực khác như: trồng và chế biến mủ cao su, sản xuất đá granit…
Ông Đoàn Nguyên Đức sau đó trở thành ông chủ của tập đoàn về bóng đá, mở rộng lĩnh vực hoạt động sang du lịch, địa ốc…Từ năm 2001, đại gia gốc Bình Định đã bỏ ra mỗi năm hơn 10 tỷ để đầu tư vào bóng đá với CLB Hoàng Anh Gia Lai - nơi đào tạo nhiều lứa cầu thủ tài năng.
Huỳnh Uy Dũng từng khoác áo lính
Ông Huỳnh Uy Dũng hay còn được gọi là Dũng “lò vôi” không còn là cái tên xa lạ trên thương trường. Khi chưa học xong lớp 12, ông Huỳnh Uy Dũng nhập ngũ và tham gia Chiến tranh biên giới Tây Nam, phục vụ công tác hậu cần ở Quân khu 5 rồi sang Quân khu 7. Sau đó tiếp tục làm nhiệm vụ tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường.
Trong một lần được phân công chở heo tiếp tế cho bộ đội ngoài chiến trường nhưng đến nơi thì heo chết sạch. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định những chuyến sau sẽ chở thêm muối lên bán cho bà con trong vùng mà không chở heo nữa. Bán muối xong, ông lấy tiền mua heo tại chỗ cho anh em chiến sĩ dùng bữa.
Khi chuyển về công tác ở Công an thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương), vì thấy cuộc sống quá khổ, ông Huỳnh Uy Dũng phát triển ý tưởng làm lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp… Sau đó mở công ty, gầy dựng sự nghiệp kinh doanh lừng lẫy tại tỉnh Bình Dương. Ông Huỳnh Uy Dũng rót vốn vào những khu công nghiệp lớn như: Bình Đường, Sóng Thần 2, Sóng Thần 3…và nhiều dự án khu dân cư. Cùng với đó xây dựng khu du lịch vào năm 2007.
Đặng Lê Nguyên Vũ - Bỏ học Y, tìm cách thoát nghèo
Doanh nhân nổi tiếng Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, sau đó họ chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M'drak, tỉnh Đắk Lắk. Tuổi thơ của đại gia này gắn liền với những ngày đi bẻ ngô, chăm lợn, giúp mẹ đóng gạch, hái rau muống ra chợ bán…
Năm lên 10 tuổi, cha của ông Đặng Lê Nguyên Vũ lâm trọng bệnh, gia cảnh sa sút. Từ đây khao khát thoát nghèo nung nấu trong lòng cậu bé mới lên 10 khi đó. Sau khi đỗ vào khoa Y của trường Đại học Tây Nguyên, cái đói nghèo thôi thúc chàng thanh niên tìm cách vươn lên.
Khi học Y đến năm thứ 3, ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhận ra bản thân không muốn làm bác sĩ, bỏ học tìm cách đến với cà phê. Năm 1996, ông hợp tác với những người bạn lập nên hãng cà phê danh tiếng tại Việt Nam, từ cơ sở vài m2, những máy móc cũ kĩ giờ đây đã gầy dựng nên đế chế nổi tiếng ở Việt Nam lẫn nước ngoài.
Đào Hồng Tuyển - Từ nhân viên bưng bia, dọn chuồng lợn đến một trong những người giàu nhất Việt Nam
Sau khi xuất ngũ, với số tiền trợ cấp, ông Đào Hồng Tuyển vào TP.HCM lập nghiệp.
Những công việc đầu tiên là dọn chuồng lợn, bưng bia tại các quán nhậu, lang thang khắp Sài Gòn, ngủ vỉa hè, công viên, mái hiên của những ngôi nhà mặt phố. Sau này khi thành công, ông Đào Hồng Tuyển từng mua lại một căn nhà nơi từng ngủ nhờ lúc lang bạt để nhớ về thuở hàn vi.
Ông Đào Hồng Tuyển được xem là một trong những người giàu nhất Việt Nam từ cách đây gần 30 năm. Ông hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng các dự án lớn.
Johnathan Hạnh Nguyễn - Tỷ phú hàng hiệu từng rửa xe để đóng học phí
Được mệnh danh là “ông trùm hàng hiệu" nhưng tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn cũng từng đi lên từ những khó khăn. Khi còn là sinh viên trường Đại học Seattle (Mỹ), doanh nhân này từng đi làm thêm nhiều nghề để nuôi sống bản thân. Vào mùa đông, ông từng phải chấp nhận rửa xe để có tiền đóng học, làm thêm cho nhà máy cao su để trang trải sinh hoạt phí.
Sau khoảng 20 năm từ một cậu sinh viên, nhân viên hãng máy bay, chủ cửa hàng tạp hoá, đồ điện tử…ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Tổng đại diện hàng không Philippines tại Đông Dương, sau đó là Việt Nam, hiện doanh nhân này đã trở thành Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Tuy nhiên, ông được biết đến nhiều nhất khi là một trong những người đầu tiên điều hành chuỗi cửa hàng thời trang và mỹ phẩm hàng hiệu.
Theo H.A (Kienthuc.net.vn)