Đại gia Đường 'bia' rao bán khách sạn dát vàng 2 lần vẫn không được: Giá bán quá cao, kinh doanh thua lỗ?

26/01/2024 14:46:47

Ông Nguyễn Hữu Đường cho biết "Nếu bán được khách sạn thì tôi cũng đã bán rồi, nhưng hai khách sạn không bán được vì đang kinh doanh lỗ, nhiều phòng trống".

Đại gia Đường 'bia' rao bán khách sạn dát vàng 2 lần vẫn không được: Giá bán quá cao, kinh doanh thua lỗ?

Ông Đường "bia" không bán được 2 khách sạn dát vàng 

Ngày 2/3/2023, ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch của công ty TNHH Hoà Bình, người thường được gọi với cái tên Đường "bia" bất ngờ thông báo muốn bán khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake (nằm tại Giảng Võ, Hà Nội). Theo đó, ông Nguyễn Hữu Đường cho biết sẽ chào bán cạnh tranh khách sạn này với giá khởi điểm 250 triệu USD và có “các tỷ phú Trung Quốc, Ấn Độ và UAE đang xếp hàng chờ mua”.

Nguyên nhân phải rao bán khách sạn này, được ông Đường tiết lộ là do "công ty hết tiền, không có tiền trả lương cho nhân viên". Ông cho biết, ba năm Covid-19, mỗi một năm công ty mất khoảng 1.000 tỷ doanh thu và 500 tỷ tiền lợi nhuận. Đặc biệt, năm 2022 còn lỗ hơn bởi đây là năm Hoà Bình khi đưa vào hoạt động cả 3 hệ thống khách sạn (gồm 3 khách sạn Somerset Hoa Binh, Dolce Hanoi Golden Lake và Danang Golden Bay). Kinh doanh gặp khó khăn do dịch bệnh, nhiều tháng liền nhân viên không có lương.

Tuy nhiên, thương vụ này không thành công vì chỉ 6 tháng sau đó, vào tháng 9/2023, ông Đường lại bất ngờ tuyên bố sẽ không bán khách sạn dát vàng với bất cứ giá nào, dù có đối tác trả giá cao ông cũng không bán. Nói về nguyên nhân hủy quyết định bán khách sạn, ông Đường cho biết: "Sắp tới Hòa Bình sẽ triển khai 2 dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp có doanh thu, có tiền rồi... không cần bán khách sạn nữa".

Không chỉ khách sạn dát vàng tại Hà Nội, trong 1 cuộc họp với khách hàng diễn ra vào tháng 12/2022, ông Đường tiết lộ Công ty TNHH Hòa Bình đang đàm phán để bán lại dự án Da Nang Golden Bay (Hòa Bình Green, nằm tại Đà Nẵng) cho một doanh nghiệp Singapore. Nếu doanh nghiệp bên kia đồng ý, Công ty Hòa Bình sẽ bán 80% cổ phần của dự án Da Nang Golden Bay.

Mới đây, theo VietnamFinance đưa tin, trong cuộc gặp mặt các khách hàng mua căn hộ Da Nang Golden Bay (Hòa Bình Green) sáng 24/1 để giải quyết vấn đề về quyền lợi liên quan, ông Nguyễn Hữu Đường cho biết ông muốn bán hai khách sạn dát vàng nhưng đều không bán được vì đang kinh doanh lỗ.

Cụ thể, ông Đường cho biết "Nếu bán được khách sạn thì tôi cũng đã bán rồi, nhưng hai khách sạn không bán được vì đang kinh doanh lỗ, nhiều phòng trống".

Giá bán khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake quá cao?

Khi ông Đường tuyên bố muốn bán khách sạn dát vàng tại Hà Nội với giá 250 triệu USD, mức giá trên gây ít nhiều bất ngờ. Bản thân nó cũng cao hơn rất nhiều so với con số vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD được công bố trước đây.

Thời gian gần đây, tại khu vực Hà Nội cũng như trên cả nước không có nhiều thương vụ M&A khách sạn giá trị lớn để làm cơ sở tham chiếu đánh giá về độ đắt/rẻ của mức giá khởi điểm đưa ra.

Theo thông tin của người viết, có ít nhất 2 thương vụ M&A khách sạn với định giá trên 200 triệu USD đã được thực hiện nhưng đều đã từ 7-8 năm trước.

Năm 2016 khi tập đoàn khách sạn Lodgis đã mua lại 50% cổ phần của Metropole Hanoi từ VinaCapital với mức giá vào khoảng 100 triệu USD, tương ứng định giá khách sạn này ở mức 200 triệu USD (khoảng 4.500 tỷ đồng theo tỷ giá lúc đó).

Với danh danh tiếng và vị trí đắc địa, Metropole cũng là khách sạn có kết quả kinh doanh vào loại cao nhất ở Hà Nội. Những năm trước covid, lợi nhuận sau thuế của khách sạn này rơi vào 250-300 tỷ đồng/năm.

Đại gia Đường 'bia' rao bán khách sạn dát vàng 2 lần vẫn không được: Giá bán quá cao, kinh doanh thua lỗ? - 1

Tuy vậy, mức định giá cao nhất đối với một khách sạn thuộc về tổ hợp khách sạn – văn phòng Daewoo Hanoi do CTCP Daeha làm chủ đầu tư. Năm 2015, CTCP Bông Sen – một doanh nghiệp có nhiều mối liên hệ với Vạn Thịnh Phát – đã chi 3.649 tỷ đồng để mua lại 51% lợi ích của Daeha, tương ứng định giá tổ hợp này lên đến gần 7.200 tỷ đồng (320 triệu USD).

Thương vụ M&A lớn gần nhất đối với một khách sạn ở khu vực trung tâm Hà Nội diễn ra vào đầu năm 2019 khi BRG Group đã chi hơn 1.200 tỷ đồng mua lại 75% cổ phần khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake từ Berjaya Land của Malaysia.

Hai thương vụ lớn trên, với Metropole nằm bên cạnh Hồ Hoàn Kiếm và Daewoo tọa lạc trên 1 khu đất rộng lớn ở ngã tư Kim Mã – Liễu Giai đều là những khách sạn có vị trí vào loại đẹp nhất Hà Nội, hơn hẳn so với Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake nằm trên một con phố yên tĩnh bên cạnh hồ Giảng Võ. Bù lại, Dolce Hanoi Golden Lake được biết đến về độ sang trọng và xa xỉ.

Tuy nhiên, dù sao những mức giá giao dịch của Metropole hay Daewoo cũng là những mức giá của 7-8 năm trước. Trong quãng thời gian đó thị mặt bằng giá cả bất động sản khu vực trung tâm cũng có nhiều thay đổi cũng như những biến động của kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng covid đều có tác động lớn đến việc định giá tài sản.

Theo Ngọc Điệp (An Ninh Tiền Tệ)

Nổi bật