Trung tâm Parkson ở Keangnam Landmark thực chất đang gặp chuyện gì?

05/01/2015 14:16:14

Đến chiều 4/1, các chủ quầy tại Parkson Landmark vẫn tiếp tục vận chuyển đồ ra bên ngoài nhưng sau đó, chính phía Parkson lại dán biển thông báo chỉ tạm đóng cửa đến ngày 7/1.

Đến chiều 4/1, các chủ quầy tại Parkson Landmark vẫn tiếp tục vận chuyển đồ ra bên ngoài nhưng sau đó, chính phía Parkson lại dán biển thông báo chỉ tạm đóng cửa đến ngày 7/1.

Khoảng 14h ngày 2/1, trung tâm thương mại (TTTM) Parkson Keangnam, đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Từ Liêm Hà Nội đột ngột thông báo đóng cửa, yêu cầu các chủ cửa hàng phải chuyển hết đồ ra ngoài ngay trong đêm 3/1. Sự việc xảy ra đột ngột khiến các đơn vị kinh doanh cũng như khách hàng khá bất ngờ và có phần bức xúc.
 
Phương Anh, nhân viên tại một quầy hàng mỹ phẩm ở Parkson cho biết, khoảng 11h trưa 2/1, phía Parkson phát thông báo yêu cầu các gian hàng phải chuyển hết đồ ra ngoài ngay trong ngày. Mặc dù không biết chuyện  gì xảy ra nhưng chủ đầu tư cũng yêu cầu các nhân viên đóng gói hàng và chuyển ra ngoài. Tuy nhiên, vừa kịp chuyển 1 chuyến hàng ra ngoài thì khoảng hơn 50 bảo vệ tòa nhà Keangnam Landmark ập đến các cửa ra vào, không cho vận chuyển hàng hóa. Sau đó, tất cả các cửa tại tòa nhà bị đóng lại và bảo vệ đứng chắn các lối ra vào, yêu cầu cả khách hàng, chủ quầy, nhân viên phải ở bên trong.
 

Bảo vệ đứng canh tại các cửa, không cho khách hàng hoặc "người không phận sự" vào Parkson. Ảnh: Ngọc Lan.
Phương Anh cho biết, khoảng 13h30 cùng ngày, công an đến làm việc với bảo vệ tòa nhà Keangnam. Sau vài tiếng đồng hồ, có sự xuất hiện của công an, đến 14h bảo vệ tòa nhà Keangnam mới mở cửa cho khách hàng và tiểu thương ra nhưng không cho vận chuyển hàng hóa ra ngoài.

Theo lời anh Tú, nhân viên đồ nội thất có chủ đầu tư người Nhật Bản, thì đến sáng ngày 3/1, phía Parkson lại ra thông báo khác, yêu các các cửa hàng phải chuyển hết đồ ra ngoài ngay trong ngày. Thông báo quá bất ngờ khiến nhiều cửa hàng phải gấp rút di chuyển đồ đạc, hàng hóa cho kịp thời hạn đơn vị này yêu cầu. Tuy nhiên, theo một số đơn vị kinh doanh trong TTTM Parkson Keangnam Landmark, 11h trưa 2/1, phía Parkson đã từng phát thông báo yêu cầu họ phải chuyển hết đồ ra ngoài trong hai ngày 3/1  và 4/1.


Parkson dán biển thông báo sẽ mở lại vào ngày 7/1/2015 với lý do đóng cửa để "kiểm kê và sắp xế hàng hóa" (ảnh chụp chiều 4/1 tại Parkson Landmark 72). Ảnh: Ngọc Lan.

Sáng hôm nay, ngày 4/1, các đơn vị kinh doanh vẫn tiếp tục vận chuyển đồ dưới sự giám sát của đơn vị tòa nhà. Ngay phía cửa ra vào Parkson có dán biển thông báo: “TTTM Parkson Landmark 72 sẽ tạm đóng cửa đến ngày 07/01/2015 để kiểm kê và sắp xếp hàng hóa. Kính mong quý khách thông cảm”.
 
Hiện tại, các cửa ra vào tại TTTM đều có 3- 4 bảo vệ đứng canh, chỉ người của đơn vị kinh doanh vận chuyển hàng và có thể ra vào mới được vào bên trong. Theo anh Trung, bảo vệ tại cửa đường Phạm Hùng, anh chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, chỉ những người có thẻ ra vào mới được. Hiện tòa nhà thông báo ngừng hoạt động để kiểm tra, sắp xếp lại hàng hóa. Chính anh cũng không biết chuyện gì đang xảy ra.
 

Hàng hóa ngổn ngang trước cửa Parkson. Ảnh: Ngọc Lan

 
Đến chiều ngày 4/1, tại Parkson Landmark 72, nhiều đơn vị kinh doanh vẫn tiếp tục chuyển đồ ra phía ngoài. Theo anh Tú, nhân viên hàng chính tại một công ty nội thất tại Parkson, trước khi sự việc xảy ra 1-2 tuần, cũng có khá nhiều gian hàng ở tầng 2 và tầng 3 bị yêu cầu chuyển đi. Trong khi ấy, về phía cửa hàng, vẫn hoạt động bình thường. Anh cho biết, hiện hợp đồng thuê mặt bằng phía chủ đầu tư và Parkson vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, yêu cầu dọn hàng đột ngột mà không thông báo trước của Parkson là phá vỡ quy tắc hợp đồng. Hơn nữa, những thông báo không dứt khoát từ phía Parkson đã khiến các chủ đầu tư khá lúng túng. 

Không biết chuyện gì đang xảy ra nhưng rất bức xúc về cách làm việc chủ đầu tư, chị C.A, chủ một nhà hàng tại tầng hầm B1 cho biết, hành động của Parkson làm ảnh hưởng nặng nề đến việc kinh doanh của cửa hàng. Chưa biết nội tình bên trong sự việc như thế nào nhưng chị rất bức xúc trước sự vô trách nhiệm của bên cho thuê.  “Tôi mới đầu tư khoảng 2 tỷ đồng vào nhà hàng, kinh doanh chưa đi vào ổn định thì đã phải dọn gấp. Trong khi đó, tìm mọi cách liên hệ với đơn vị cho thuê mặt bằng đều vô vọng. Hiện tại, không chỉ tôi mà nhiều nhân viên khác đang như ngồi trên đống lửa”, chị nói.

Trong khi các đơn vị kinh doanh đang nhanh chóng hoàn tất việc vận chuyển hàng hóa, đồ đạc về kho thì quầy hàng ăn uống của chị C.A vẫn lưu lại ở Parkson. Chị C.A cho biết, chị mới gia hạn hợp đồng với bên chủ đầu tư từ tháng trước với số tiền đóng đầy đủ theo yêu cầu. Tuy nhiên, Parkson phá vỡ hợp đồng thì họ sẽ phải bồi thường tính cả về tổng giá trị mặt hàng đặt tại Parkson cũng như tổn thất của cửa hàng trong thời gian đóng cửa.

Trước đó, đại diện công ty TNHH Parkson Hà Nội đã có văn bản thông báo đến đối tác về việc đóng cửa trung tâm thương mại này tại tòa nhà Keangnam Landmark. Thông báo nếu rõ, ngày kinh doanh cuối cùng của Parkson Landmark là ngày 2/1/2015. Lý do đóng cửa đột ngột được đơn vị này đưa ra là: "Kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của  Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo như kế hoạch đề ra của chúng tôi và chúng tôi cũng nhận thấy các quầy hàng của Quý đối tác cũng đang phải chịu những khoản lỗ lớn cho đến nay". Thông báo nói trên của đại diện trung tâm thương mại này cũng nêu rõ, quyết định nói trên được đưa ra khi đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng từ ban giám đốc.
 
>> Parkson Landmark Hà Nội đóng cửa, Parkson Đà Nẵng lặng yên
>> Parkson lớn nhất Hà Nội đóng cửa do lỗ nặng
 
Theo Ngọc Lan (Zing.vn)

Nổi bật