Trung Quốc và Lào đang mạnh tay thu mua một loại quả bán đầy chợ tại Việt Nam: Thu 18 triệu USD trong nửa đầu năm, đồng bằng sông Cửu Long là ‘thủ phủ’

22/07/2024 07:41:54

Trung Quốc hiện thu mua đến 87% sản lượng của Việt Nam.

Trung Quốc và Lào đang mạnh tay thu mua một loại quả bán đầy chợ tại Việt Nam: Thu 18 triệu USD trong nửa đầu năm, đồng bằng sông Cửu Long là ‘thủ phủ’
Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu ớt của Việt Nam trong tháng 6 đã thu về 1,8 triệu USD với 815 tấn, giảm 43% về lượng so với tháng 5. Lũy kế 6 tháng đầu năm nước ta xuất khẩu 7.326 tấn ớt với kim ngạch đạt 17,9 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và tăng mạnh 31,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Xét về thị trường, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ớt Việt Nam với 6.338 tấn, chiếm 86,5%. Lào đứng thứ 2 với sản lượng đạt 669 tấn, chiếm 9,1%. Mỹ là thị trường đứng thứ 3 với 124 tấn, tương đương 1,7%.

Trung Quốc và Lào đang mạnh tay thu mua một loại quả bán đầy chợ tại Việt Nam: Thu 18 triệu USD trong nửa đầu năm, đồng bằng sông Cửu Long là ‘thủ phủ’ - 1
Trong năm 2023, xuất khẩu ớt đạt kim ngạch 20 triệu USD, tương ứng với 10.173 tấn, tăng mạnh 107% so với năm 2022.

Ớt là một loại quả không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Người nông dân ví cây ớt là loại cây ‘một vốn mười lời’ vì ớt có đặc điểm sinh trưởng ngắn ngày, có thể trồng xen với cây ăn quả và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc nên phù hợp với điều kiện canh tác của người nông dân trên khắp cả nước. Thông thường, ớt sẽ được xuống giống cây vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Cây ớt sau 2 tháng trồng bắt đầu cho thu hoạch từ 3 đến 4 đợt trong khoảng 3 tháng, chất lượng quả cao nhất với trọng lượng lý tưởng có thể lên đến 4 kg mỗi cây.

Đối với khách ‘ruột’ Trung Quốc, một trong những lý do mà Trung Quốc tăng cường nhập khẩu ớt Việt Nam là độ cay cao và đa dạng về chủng loại. Một số loại ớt xuất khẩu phải kể đến như: ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng vàng, ớt ngọt, ớt chỉ địa. Ngoài ra, sự chênh lệch mùa vụ cũng là điều giúp cho sản lượng xuất khẩu tăng cao. Tại Trung Quốc thu hoạch chủ yếu diễn ra vào khoảng tháng 6 đến tháng 10 hàng năm.

Tại Việt Nam ớt thường được trồng thành 2 vụ nên có nhiều thời điểm thu hoạch là từ tháng 4 đến đầu tháng 7 và thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 2. Ớt được trồng rải rác ở khắp các tỉnh thành trên cả nước ĐBSCL được xem là thủ phủ ớt của Việt Nam được trồng nhiều nhất tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh với tổng diện tích trên 7.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm.

Trong một diễn biến mới nhất đối với trái ớt Việt, mới đây ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã tiếp và làm việc với Văn phòng KOICA Việt Nam và Tập đoàn CJ về thực hiện dự án "Xây dựng nông thôn mới gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp" giai đoạn 2024 - 2026.

Dự án nhằm mở rộng diện tích canh tác trồng ớt (vùng nguyên liệu) trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đề xuất nội dung hoạt động tiếp nối dự án với các hoạt động chính như: Hỗ trợ tư liệu sản xuất cho người nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí canh tác.

CJ là tập đoàn đa quốc gia, thành lập năm 1953 tại Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm/dịch vụ thực phẩm, công nghệ sinh học, hậu cần/bán lẻ, văn hóa. CJ đã đầu tư tại 25 quốc gia. Tổng số lao động gần 80.000 người, doanh thu năm 2023 khoảng 31 tỷ USD.

Theo Như Quỳnh (Nhịp Sống Thị Trường)