Một loại quả đặc sản của Việt Nam giá lên cao nhất lịch sử, Trung Quốc thu gom 99% tổng hàng xuất khẩu

29/06/2024 08:20:22

Loại quả này của tỉnh xuất khẩu đi 30 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc.

Thông tin từ Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, mùa vải năm 2024, sản lượng vải thiều của tỉnh giảm mạnh, chỉ bằng 50% so với năm ngoái, đạt 100 nghìn tấn. Nguyên nhân là bởi thời tiết bất lợi dẫn đến sản lượng sụt giảm.

Liên quan đến sản lượng vải thiều thấp, chia sẻ trên tờ VnEconomy, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho hay, ảnh hưởng của biến đổi khi hậu, thời tiết cực đoan đến sự phát triển cây vải của tỉnh Bắc Giang ngày càng rõ.

"Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang sẽ mời các Viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp, các nhà khoa học đến để nghiên cứu, nhằm tạo ra các giống cây vải chống chịu được với thời tiết cực đoan, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặt khác, sẽ nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để trái vải ra hoa nhiều, tỷ lệ đậu quả cao, ngăn chặn sự rụng trái để các năm sau không còn xảy ra tình trạng "mất mùa" vải thiều như năm nay", ông Thành chia sẻ.

Do nguồn cung không đủ so với nhu cầu nên giá vải thiều ngay từ những ngày đầu vụ tăng cao, gấp đôi thậm chí gấp 3 lần so với năm 2023. Giá vải thiều được các thương nhân đang vào tận vườn để thu mua dao động từ 55.000 - 85.000 đồng/kg. Cơ quan quản lý cho biết, mức giá này cao hơn 3 lần năm 2023 và là mức cao nhất từ trước đến nay của mặt hàng này.

Một loại quả đặc sản của Việt Nam giá lên cao nhất lịch sử, Trung Quốc thu gom 99% tổng hàng xuất khẩu
Hình minh họa.

Tính đến ngày 24/6, sản lượng vải thiều xuất khẩu của Bắc Giang đạt hơn 24,7 nghìn tấn, chiếm trên 28,9% so với tổng sản lượng tiêu thụ. Sản lượng tiêu thụ nội địa đạt hơn 60,9 nghìn tấn, chiếm trên 71%.

Hiện vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu đi 30 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc.

Sở Công Thương cho biết, thị trường Trung Quốc tiêu thụ hơn 24.500 tấn, chiếm 99% tổng sản lượng xuất khẩu của tỉnh. Phần còn lại được xuất khẩu sang các thị trường như: EU 53 tấn, Nhật Bản 45 tấn, Úc 42 tấn, Hoa Kỳ 20 tấn, Dubai 21 tấn, Canada 16 tấn và các nước khu vực Đông Nam Á 18 tấn.

Một loại quả đặc sản của Việt Nam giá lên cao nhất lịch sử, Trung Quốc thu gom 99% tổng hàng xuất khẩu - 1

Năm 2024, huyện Lục Ngạn có khoảng 17.360 ha diện tích vải thiều, trong đó vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là khoảng 13.400 ha, chiếm 77,18% tổng diện tích, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 300 ha.

Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, doanh thu từ vải thiều và từ các dịch vụ phụ trợ của tỉnh Bắc Giang năm nay ước đạt khoảng trên 5.775 tỷ đồng. Trong đó doanh thu từ vải thiều ước đạt khoảng trên 4.814 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu đạt 1.670 tỷ đồng...

Để đảm bảo chất lượng, Bắc Giang đang duy trì và kiểm soát chặt chẽ 223 mã số vùng trồng, diện tích trên 17.000 ha. Huyện Lục Ngạn đã thực hiện số hóa vùng sản xuất vải tập trung với 103 mã số vùng trồng sản xuất vải, tổng diện tích 12.380,81 ha và 34 doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân được cấp mã số cơ sở đóng gói.

Ngoài Bắc Giang, Hải Dương cũng là thủ phủ của vải. Vải Thanh Hà của Hải Dương được xuất ngoại với giá cao chót vót. Đơn cử như hồi cuối tháng 5 vừa qua, vải thiều Thanh Hà xuất khẩu sang Úc đã được bày bán trên kệ siêu thị Market Place niêm yết với giá 34,99 AUD/kg (tương đương 594.000 đồng/kg).

Theo Pha Lê (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật