Trung Quốc: Triệt phá mạng lưới “ngân hàng ngầm” lớn

23/11/2015 08:15:17

Cơ quan chức năng của Trung Quốc mới đây đã triệt phá thành công hệ thống “ngân hàng ngầm” ở phía Đông tỉnh Chiết Giang, được xem là lớn nhất từ trước tới nay trong cuộc chiến chống tham nhũng và ngăn chặn tình trạng chảy máu tiền tệ chưa bao giờ nghiêm trọng đến thế, ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cơ quan chức năng của Trung Quốc mới đây đã triệt phá thành công hệ thống “ngân hàng ngầm” ở phía Đông tỉnh Chiết Giang, được xem là lớn nhất từ trước tới nay trong cuộc chiến chống tham nhũng và ngăn chặn tình trạng chảy máu tiền tệ chưa bao giờ nghiêm trọng đến thế, ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ước tính, tổng giá trị giao dịch ngoại hối bất hợp pháp của hệ thống này lên tới 410 tỷ Nhân dân tệ (NDT), tương đương 1.400.000 tỷ đồng, liên quan tới hơn 370 đối tượng đã bị bắt giữ và khởi tố với nhiều khung hình phạt khác nhau.

Một năm điều tra 1,3 triệu giao dịch

Bắc Kinh ngày càng quan ngại việc bị “chảy máu” tiền tệ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm chạp. Chiến dịch chống tham nhũng lớn chưa từng có đang “đả nhiều con hổ, diệt nhiều con ruồi” và kỳ vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tháng cuối năm - những yếu tố khiến việc cất giữ tài sản bên ngoài Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn. Ngân hàng Standard Chartered nhận định rằng 830 tỷ USD đã rời khỏi Trung Quốc trong suốt 17 tháng qua, không kể đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Trong vụ việc ở Chiết Giang, bộ phận chống rửa tiền của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhận thấy dấu hiệu của các giao dịch đáng ngờ từ tháng 9/2014 và đã nhờ lực lượng công an và cơ quan quản lý ngoại hối vào cuộc trong chuyên án “9-16”, đánh dấu ngày bắt đầu điều tra.

Mất 1 năm để rà soát hơn 1,3 triệu giao dịch tình nghi, cơ quan chức năng Trung Quốc đã phong tỏa hơn 3.000 tài khoản có liên quan. Vụ án này đưa tổng giá trị các vụ rửa tiền bị phát hiện, mà những “ngân hàng ngầm” nước này thực hiện, lên tới 800 tỷ NDT chỉ trong vòng 7 tháng trở lại đây.

Đây là một trong những ví dụ điển hình thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc kiểm soát dòng tiền chảy ra nước ngoài và cập bến các thành phố như Vancouver tới Sydney, khiến giá bất động sản ở những nơi đó tăng vọt, ngay cả khi công dân Trung Quốc mỗi năm bị giới hạn không được chuyển quá 50.000 NDT ra nước ngoài.

Một bộ phận trong lượng tiền rời biên giới Trung Quốc bị cho là tiền tham nhũng và theo ước tính của một số ngân hàng, năm 2014 chứng kiến 324 tỷ USD chạy khỏi Trung Quốc và chỉ 3 tuần sau khi nước này phá giá nội tệ hồi tháng 8/2015, 200 tỷ USD đã lặng lẽ “xuất cảnh”.

“Thủ đoạn vô biên”

Trở lại vụ việc ở Chiết Giang, một trong những nghi phạm chính, có tên là Zhao Mouyi, đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, thành lập hơn 10 công ty ở Hong Kong (Trung Quốc) từ năm 2013 và chuyển hơn 100 tỷ NDT qua các tài khoản của người không cư trú.

Lợi dụng “kẽ hở” pháp luật liên quan đến các tài khoản không cư trú, Zhao chuyển tiền ra nước ngoài rồi đổi lấy các ngoại tệ khác ở những ngân hàng như HSBC Hong Kong, trước khi chuyển đến tài khoản của khách hàng.

Mạng lưới này mở hơn 800 tài khoản ở các nước thuộc địa cũ của Anh và ở ít nhất 7 tỉnh của Trung Quốc, để dễ bề chia nhỏ các khoản tiền lớn, cùng với đó là kết hợp những thủ đoạn bổ trợ liên quan đến việc giả mạo tờ khai xuất khẩu hay yêu cầu hoàn thuế xuất khẩu.

Cả HSBC lẫn Cơ quan quản lý tiền tệ Hong Kong (HKMA) đều chưa có bình luận chính thức về báo cáo của cảnh sát Trung Quốc. Song, HKMA khẳng định các ngân hàng ở Hong Kong đều đã và đang tăng cường các biện pháp kiểm soát nội bộ, nhằm phát hiện và tố giác các giao dịch “có mùi”.

Bên cạnh chiêu thức luồn lách của đối tượng Zhao nêu trên, cơ quan điều tra Trung Quốc còn nhận diện nhiều thủ đoạn tinh vi khác, như buôn lậu tiền qua mặt hải quan, thanh toán mua hàng ở nước ngoài bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ và đến khi về nước thì trả lại hàng để nhận lại tiền mặt, nhận tiền thế chấp ở nước ngoài nhờ tiền tiết kiệm gửi ở Trung Quốc…

Tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc trong khi đăng tải thông tin từ cơ quan an ninh, cũng không quên nhắc lại một cuộc điều tra trước đây ở tỉnh Phúc Kiến, trong đó khui ra một mạng lưới trải rộng từ Hong Kong, Đài Loan, Australia sang A-rập Xê-ut, mà “nhân vật chính” là lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp nhà nước đã tìm cách chuyển 18 triệu NDT ra khỏi biên giới.

Cơ quan chức năng Trung Quốc sau đó đã phải triển khai một loạt biện pháp kiểm soát, bao gồm cả hạn chế số tiền được rút tại các máy rút tiền tự động ở nước ngoài.
 
Theo Hùng Anh (Stockbiz.vn)

Nổi bật