Báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Kinh tế (CEBR) có trụ sở tại London cho rằng, Trung Quốc đã thành công trong việc tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo này, 4 nước Châu Á khác là Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia sẽ cùng với Trung Quốc lọt top 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
CEBR đánh giá, tới năm 2030, 10 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới sẽ do Trung Quốc đứng đầu, tiếp theo là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Brazil, Anh, Hàn Quốc, Pháp và Indonesia.
"Trung Quốc đã duy trì khả năng hồi phục phát triển và đà cải cách nhanh chóng. Giới chức nước này đã thực hiện một loạt các chính sách, biện pháp điều tiết nhằm giảm sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô và hạn chế rủi ro tài chính mà không ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng", hãng tin Sputnik dẫn lời ông John Litwack - nhà kinh tế học hàng đầu của Ngân hàng Thế giới, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc. Ông cũng đề cập tới tăng trưởng GDP 6,8% năm 2017 của Trung Quốc.
Trong khi đó, Viện Dân số và Kinh tế Lao động thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) nhận định, trong nền kinh tế "mới" của Trung Quốc, các công ty và dịch vụ dựa trên Internet tăng trung bình 16,1% từ 2007 tới năm 2017, gấp đôi so với tăng trưởng tổng thể nền kinh tế Trung Quốc.
Theo Sputnik, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại để đối phó với các vấn đề do sự tăng trưởng kinh tế nhanh mang lại như: ô nhiễm, nợ và bất bình đẳng về thu nhập. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP của Trung Quốc gấp đôi của Mỹ, vốn tăng 3,2% năm 2017.
Trung Quốc có GDP thực tế cao hơn Mỹ, nhưng Mỹ vẫn giữ được vị trí dẫn đầu với GDP danh nghĩa là 7,4 tỷ USD. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển với tốc độ cao, vì vậy chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi nước này vượt Mỹ, báo cáo của CEBR nêu rõ.
Theo H.L (Lao Động)