Mỹ gia nhập cuộc chiến chống Trung Quốc tại WTO

01/12/2017 10:37:04

Mỹ chính thức phản đối Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường, động thái cho phép Mỹ duy trì việc áp đặt thuế chống bán phá giá với hàng hóa Trung Quốc.

Tuyên bố phản đối, được công bố hôm 30-11, được xem là tài liệu do bên thứ 3 đệ trình ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) trong một cuộc tranh chấp với Trung Quốc mà kết quả của nó có thể gây ảnh hưởng lớn đến tương lai thương mại của EU.

Mỹ gia nhập cuộc chiến chống Trung Quốc tại WTO
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ảnh: Reuters

Trung Quốc đang tranh chấp với EU để được công nhận là nền kinh tế thị trường, theo đó sẽ giúp giảm đáng kể mức thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc bằng cách cấm so sánh giá hàng hóa Trung Quốc với giá của một nước thứ 3 có nền kinh tế thị trường.

Mỹ và EU đến nay vẫn tranh cãi về vai trò của chính phủ Trung Quốc đối với nền kinh tế nước này, bao gồm trợ cấp tràn lan, bóp méo giá cả trong nước và không để thị trường quyết định giá cả.

Nếu Trung Quốc thắng tại WTO, điều này sẽ làm suy yếu cuộc đấu tranh chống lại làn sóng hàng giá rẻ của Trung Quốc tại nhiều quốc gia, đe dọa sự tồn tại của nhiều ngành công nghiệp ở phương Tây.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer phát biểu tại quốc hội hồi tháng 6 rằng đây là vụ kiện nghiêm trọng nhất tại WTO thời điểm này và quyết định có lợi cho Trung Quốc sẽ trở thành thảm hoạ đối với WTO.

Ông Lighthizer đã nhiều lần bày tỏ sự thất vọng với cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO và kêu gọi cải cách lớn tại tổ chức này. Theo sau tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 10 cho rằng Trung Quốc không đạt được tiêu chuẩn quy định của nền kinh tế thị trường, báo cáo của Đại diện Thương mại Mỹ lập luận Trung Quốc không nên tự động được công nhận là nền kinh tế thị trường theo các điều khoản năm 2001.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh đang gia tăng khi chính quyền ông Donald Trump chuẩn bị một số biện pháp kinh tế mạnh mẽ, bao gồm mở rộng đánh thuế hoặc đưa ra hạn ngạch về việc nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc cũng như tiến hành một cuộc điều tra về vi phạm sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh.

Bộ Thương mại Mỹ hôm 28-11 đã tiến hành các cuộc điều tra đầu tiên về chống bán phá giá và chống trợ cấp do chính phủ khởi xướng trong nhiều thập kỷ qua về nhập khẩu nhôm Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cho rằng 16 năm gia nhập WTO vẫn không thể chấm dứt được những hành động bóp méo thị trường của Trung Quốc.

Ông David Malpass, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ về các vấn đề quốc tế, hôm 30-11 cho biết: "Chúng tôi lo ngại tự do hóa kinh tế của Trung Quốc dường như bị chậm lại hoặc đi ngược với quy định khi sự can thiệp của chính phủ ngày càng tăng. Các doanh nghiệp của nhà nước không phải đối mặt với những khó khăn về ngân sách và chính sách công nghiệp của Trung Quốc ngày càng gây trở ngại đối với các công ty nước ngoài".

Đối thoại kinh tế Mỹ-Trung đóng băng

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã đóng băng chương trình chủ chốt vốn được đưa ra trước đó để tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc, trong bối cảnh Washington không ngừng chỉ trích sự bất cân bằng thương mại ngày càng lớn giữa hai nền kinh tế, và nói rằng nỗ lực tự do hóa kinh tế của Bắc Kinh đang bị đảo ngược.

Ông David Malpass, một nhà ngoại giao kinh tế cấp cao của chính quyền Mỹ, đã nói trong cuộc phỏng vấn với Financial Times hôm 30-11 rằng Đối thoại Kinh tế Toàn diện (CED) với Bắc Kinh đã "ngừng lại" và chưa có kế hoạch nối lại.

Quyết định trên được đưa ra sau khi cuộc đối thoại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hồi tháng 7 kết thúc mà không đạt được bước tiến rõ rệt nào.

CED là chương trình quan trọng, liên quan tới các quan chức nội các cấp cao ở Washington và giới chức đồng cấp tại Bắc Kinh, nhằm giải quyết những vấn đề thương mại và đầu tư.

Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)