Trung Quốc ngày càng ngấm đòn chiến tranh thương mại

22/10/2018 10:52:42

Không chỉ doanh nghiệp nội địa mà những nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc cũng loay hoay tìm lối thoát bởi sự leo thang của cuộc chiến.

Tại tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, hay còn có tên gọi khác là "thành phố săm lốp", ít nhất 35 trên tổng số 200 nhà sản xuất lốp xe đã dừng hoạt động từ năm 2017. "Nhà máy hầu như đã đóng cửa và không có công nhân nào ở đây", quản trị viên của Shandong Yongtai Group cho biết. Công ty này, từng là nhà sản xuất lốp xe hàng đầu của Trung Quốc với 5.000 nhân viên, đã đóng cửa hồi tháng 8.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý gần nhất đã giảm xuống 6,5%, mức thấp nhất trong gần một thập kỷ, do sự thắt chặt chi tiêu của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, tình hình tài chính của Shandong Yongtai Group đã bắt đầu xấu đi từ 10 năm trước khi Mỹ hạn chế nhập khẩu lốp xe từ Trung Quốc và việc thắt chặt các quy định về môi trường. Hàng rào thuế quan từ chính quyền Tổng thống Donald Trump mới đây dường như là "cú đánh cuối cùng" mà doanh nghiệp này phải chịu.

Trung Quốc ngày càng ngấm đòn chiến tranh thương mại
Người dân đi bộ trên đường phố Thượng Hải

Thành phố Nghĩa Ô của tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc là thị trường bán buôn lớn nhất thế giới, nơi bạn có thể tìm được mọi thứ hàng hóa. Tuy nhiên, các nhà sản xuất dựa vào việc xuất khẩu sang thị trường Mỹ cho biết đã bị ảnh hưởng nặng nề do những thay đổi gần đây. Một nhân viên bán lốp xe đạp phàn nàn rằng công việc kinh doanh không còn lợi nhuận, trong khi một chủ cửa hàng than khóc về việc mất các đơn hàng vài chục nghìn nhân dân tệ.

"Đó không chỉ là người Mỹ", một quan chức điều hành thị trường cho biết. "Số lượng người mua từ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng sụt giảm".

Tác động của điều này, hiển nhiên là dữ liệu công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sản xuất ôtô, điện thoại thông minh, vi mạch hay robot đều sụt giảm trong tháng 9 so với cùng kỳ năm trước. Trước đó vào đầu năm, tất cả các lĩnh vực này, ngoại trừ điện thoại thông minh, đều tăng trưởng hai chữ số. Sự chậm lại trong các đơn hàng mới dường như là "thủ phạm" của sự sụt giảm.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tỏ ra bi quan hơn trước triển vọng kinh tế Trung Quốc, theo một cuộc khảo sát mới đây của Trường kinh doanh Cheung Kong. Nền kinh tế Trung Quốc đã phải đối mặt với khó khăn trong năm 2015 khi những doanh nghiệp Nhà nước bị dư thừa công suất, nhưng lần này là áp lực với khối doanh nghiệp tư nhân.

Tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% trong quý III năm nay của Trung Quốc là mức thấp nhất trong gần một thập kỷ, chỉ cao hơn mức tăng 6,4% của quý I/2009. Tỷ lệ này cũng sụt giảm 0,2 điểm phần trăm so với quý trước đó. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc thường duy trì ổn định với biên độ dao động không quá 0,1 điểm phần trăm. Mức giảm 0,2 điểm phần trăm là lần đầu tiên kể từ quý I/2015, khi nền kinh tế nước này bắt đầu lộ ra nhiều khó khăn.

"Áp lực sụt giảm đang gia tăng", phát ngôn viên của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu tuần trước.

Thống kê từ các nền kinh tế làng giềng cũng phần nào cho thấy sự suy thoái đang diễn ra. Xuất khẩu sang Trung Quốc của Indonesia đã giảm 8,6% trong tháng 9 năm nay, cao hơn so với tháng trước đó. Cơ quan thống kê của nước này cho biết nguyên nhân nằm ở sự sụt giảm nhu cầu của nền kinh tế thứ hai thế giới. Xuất khẩu ôtô và linh kiện điện tử của Trung Quốc trong năm nay cũng sụt giảm sau khi đã tăng trong năm 2017.

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, cố vấn thân cận của Chủ tịch Tập Cận Bình đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thứ Sáu tuần trước để trấn án nhà đầu tư về đà sụt giảm của thị trường cổ phiếu. Ông nói Chính phủ đánh giá cao sự ổn định của thị trường chứng khoán và cho biết các biện pháp như giảm thuế, tăng chi cho cơ sở hạ tầng hay nới lỏng tiền tệ sẽ được đưa ra để củng cố tăng trưởng kinh tế.

"Những nỗ lực xoa dịu thị trường từ những quan chức đứng đầu cho thấy Bắc Kinh đang lo ngại về tình trạng của nền kinh tế", Andrew Coflan, nhà phân tích thuộc Eurasia Group cho biết.

Trung Quốc ngày càng ngấm đòn chiến tranh thương mại - 1
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: Reuters

Không chỉ có khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, các công ty nước ngoài cũng đang do dự việc rót vốn vào Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Hội đồng kinh doanh Mỹ - Trung cho biết 73% các công ty Mỹ tại Trung Quốc cho biết hoạt động kinh doanh của họ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại.

Foxconn, nhà sản xuất công nghiệp của Đài Loan, có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy 10 tỷ USD tại bang Wisconsin, Mỹ. 

Các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc cũng bắt đầu thấy những sự thay đổi. Yaskawa Electric nhận được số đơn hàng ít hơn 30% trong quý III năm nay so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu sự sụt giảm ở các sản phẩm chủ lực như động cơ, máy công cụ.

"Các công ty đặt trụ sở tại Trung Quốc đang phải đắn đo trước quyết định liệu họ có nên tiếp tục đầu tư tại quốc gia này hay chuyển hướng sản xuất sang các khu vực khác, ví dụ như Đông Nam Á", Shuji Murakami, Giám đốc điều hành của Yaskawa cho biết.

Yoshiharu Inaba, Chủ tịch kiếm CEO của hãng sản xuất robot Fanuc cho biết số lượng đơn hàng cũng giảm mạnh từ tháng 6 năm nay do những lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thứ hai thế giới được dự báo sẽ có những tác động đến tăng trưởng toàn cầu. Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu của Dai-ichi Life ước tính Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến 27% mức tăng trưởng của GDP thế giới trong năm nay. "Sẽ có một tác động đáng kể đến kinh tế thế giới nếu tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại", Nishihama đánh giá.

Theo Minh Sơn (VnExpress.net)