Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết máy bay Boeing nằm trong danh sách sơ bộ các mặt hàng Mỹ mà Trung Quốc sẽ mua để giảm thâm hụt thương mại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, lo ngại về an toàn đang khiến Trung Quốc cân nhắc nên bỏ hẳn 737 MAX khỏi danh sách hay thay thế bằng mẫu khác của Boeing. 737 MAX đang bị cấm bay trên toàn cầu sau vụ tai nạn của Ethiopian Airlines hồi đầu tháng.
Việc này có thể khiến Trung Quốc khó hoàn thành đề xuất trước đó - thu hẹp thâm hụt thương mại lên tới hơn 300 tỷ USD với Mỹ trong vòng 6 năm. Nó cũng có thể làm chậm tiến độ đạt thỏa thuận thương mại giữa hai quốc gia này. Máy bay có giá tới hàng tỷ USD và là mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Mỹ. Vì thế, bên cạnh đậu tương, thịt và khí đốt tự nhiên, đây là thành phần cốt lõi trong mọi cam kết mua hàng mà Trung Quốc đề xuất với Mỹ.
Cổ phiếu Boeing hôm qua tăng gần 1% trên sàn New York. Từ sau vụ tai nạn của Ethiopian Airlines, vốn hóa hãng này đã bốc hơi gần 28 tỷ USD.
Còn với Boeing, nếu Trung Quốc bỏ MAX khỏi thỏa thuận thương mại, đây sẽ là bước lùi nữa với công ty này. Họ đang vật lộn với cuộc khủng hoảng niềm tin vào dòng máy bay bán chạy nhất của mình. MAX hiện đóng góp gần một phần ba lợi nhuận hoạt động cho Boeing.
737 được đưa vào vận hành từ cuối thập niên 60, là máy bay bán chạy nhất ngành hàng không và là con gà đẻ trứng vàng cho Boeing. Phiên bản 737 MAX đến nay đã nhận tổng số đơn hàng lên tới 5.000 chiếc và mới bàn giao 350 chiếc trên toàn cầu. Giá niêm yết mỗi máy bay vào khoảng 120 triệu USD. Dòng máy bay này mới được đưa vào hoạt động năm 2017.
Tính đến tháng 1, các hãng bay Trung Quốc nhận khoảng 20% số 737 MAX được bàn giao trên toàn cầu. China Southern Airlines có 16 chiếc trong đội bay và còn 34 đang đặt hàng. China Eastern Airlines có 13, còn Air China sở hữu 14 chiếc. Các hãng hàng không khác của Trung Quốc cũng mua MAX là Hainan Airlines và Shandong Airlines.
Chính phủ Trung Quốc là cổ đông lớn trong hầu hết các hãng bay nước này. Việc mua máy bay của họ cũng được điều tiết bởi các cơ quan chính phủ, như Cục Hàng không Dân dụng và Ủy ban Cải cách và Phát triển Kinh tế Quốc gia. Trung Quốc cũng là thị trường có nhu cầu máy bay lớn nhất thế giới. Theo báo cáo mới nhất của Boeing, nước này cần 7.690 phi cơ mới trị giá 1.200 tỷ USD giai đoạn 2017 - 2037.
Theo Hà Thu (VnExpress.net)