Lý do khiến Mỹ ra lệnh cấm bay Boeing 737 MAX
"Chương trình cấp chứng chỉ cho 737 MAX tuân thủ quy trình cấp chứng chỉ tiêu chuẩn của Cục Hàng không Liên bang", FAA trả lời trong một email gửi đến báo giới.
Cơ quan này cho biết quy trình của họ "có danh tiếng từ lâu và liên tục đưa ra những thiết kế máy bay an toàn".
Mặc dù vậy, những báo cáo về sự giống nhau giữa hai vụ tai nạn của Ethiopian Airlines vào ngày 10/3, khiến 157 người chết, và thảm họa Lion Air vào tháng 10/2018, khiến 189 người thiệt mạng, đã đặt ra những câu hỏi về tính an toàn của dòng máy bay Boeing 737 MAX 8.
"Vật lộn để bắt kịp Airbus"
737 MAX là dòng máy bay còn khá mới, chỉ được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2017, là câu trả lời của Boeing với dòng máy bay cỡ vừa A320 Neo của đối thủ Airbus.
Bộ trưởng Giao thông Ethopia, bà Dagmawit Moges ngày 17/3 cho biết dữ liệu bay thu thập được từ chiếc 737 MAX 8 gặp nạn của Ethiopian Airlines cho thấy "những sự tương đồng rõ rệt" so với vụ tai nạn của Lion Air ở Indonesia.
Bà Moges khẳng định sự tương đồng này sẽ là "vấn đề để nghiên cứu sâu hơn".
Trong khi giới chức điều tra đang tiếp tục công việc, các phát hiện sơ bộ tại khu vực gặp nạn của máy bay Lion Air đang tập trung vào khả năng một sự cố đã xảy ra trong hệ thống chống ngừng động cơ (anti-stall) có tên gọi là MCAS (Hệ thống tăng cường đặc tính cơ động).
Boeing phát triển hệ thống này do vị trí đặt động cơ của 737 MAX ở gần phía đầu máy bay hơn, khiến máy bay có xu hướng ngẩng đầu lên khi đang di chuyển, khiến nó có thể mất tốc độ. Khi đó, các cảm biến ở phía đầu máy bay sẽ đo góc của máy bay so với luồng khí và nếu nó phát hiện máy bay ngẩng đầu lên, đuôi máy bay sẽ tự động được điều chỉnh để máy bay hạ đầu xuống.
Các chuyên gia đã đặt câu hỏi về quy trình chứng nhận của FAA sau khi có thông tin rằng chính các phi công Mỹ đã nhiều lần phàn nàn nghiêm trọng về hệ thống này.
Theo thông tin của báo Seattle Times, FAA đã ủy thác việc thực hiện một phần quy trình chứng nhận máy bay - bao gồm cả MCAS - cho các kỹ sư của Boeing.
Seattle Times cho biết những phân tích an toàn ban đầu được Boeing cung cấp cho FAA chứa "một số lỗ hổng nghiêm trọng". Theo đó, quá trình này được tiến hành một cách vội vã khi Boeing phải vật lộn để bắt kịp những công nghệ tiên tiến hơn trên chiếc A320 Neo của đối thủ Airbus.
Seattle Times là tờ báo tại thành phố Seattle, bang Washington, hiện là nơi đặt nhà máy lắp ráp máy bay của Boeing và cũng là nơi đặt tổng hành dinh của Boeing trước khi tập đoàn này chuyển đến Chicago vào năm 2001.
"Tất cả những yêu cầu đã được đáp ứng"
FAA từ chối bình luận về những thông tin của Seattle Times, nhấn mạnh rằng nhiều cuộc điều tra khác nhau vẫn đang được tiến hành.
Do bị cắt giảm ngân sách hoạt động, FAA từ năm 2009 đã ủy thác một số phần trong quy trình cấp chứng chỉ bay cho chính nhà sản xuất máy bay hoặc các chuyên gia bên ngoài, quy trình này được gọi là Ủy quyền Chỉ định Tổ chức (ODA).
Vào ngày 17/3, FAA bảo vệ quy trình của mình, khẳng định rằng dòng máy bay 737 MAX đã phải vượt qua nhiều cuộc kiểm tra và đánh giá trước khi được cấp chứng chỉ bay.
Họ cho biết thiết kế của máy bay đã được kiểm tra kỹ càng, các cuộc thử nghiệm trên mặt đất và trên không đã được tiến hành và các cơ quan hàng không dân dụng khác đã được tư vấn để đảm báo "máy bay tuân thủ các tiêu chuẩn FAA".
Boeing trả lời Seattle Times trong một thông báo chính thức rằng "FAA đã xem xét cấu hình và thông số vận hành cuối cùng của MCAS trong quy trình chứng nhận cho dòng máy bay MAX, và kết luận rằng nó đáp ứng tất cả các yêu cầu và chứng chỉ theo quy định".
Mặc dù vậy, Boeing cho biết đã có "một số nhận định sai lầm đáng kể" trong quá trình cấp chứng nhận.
Ông Peter DeFazio, chủ tịch ủy ban giao thông và cơ sở hạ tầng của hạ viện, đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc điều tra về quá trình cấp chứng nhận bay cho dòng 737 MAX, các nguồn tin từ quốc hội cho biết.
Ông Michel Merluzeau, nhà phân tích đến từ AirInsight, kêu gọi cần có một sự thận trọng trong quá trình này.
"Có thể cần phải kiểm tra lại xem những gì hiệu quả và những gì không (trong quá trình chứng nhận) - nhưng nó không nên được thực hiện một cách cảm tính", ông Merluzeau cho biết.
Một chuyên gia khác, Richard Aboulafia đến từ Teal Group, một công ty tư vấn thị trường về vũ trụ và quốc phòng, cho rằng danh tiếng của FAA đang bị đe dọa và cả Boeing cũng vậy.
Ông Aboulafia nhận định rằng "hệ thống chứng nhận máy bay toàn cầu cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng".
Theo Sơn Trần (Tri Thức Trực Tuyến)