CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) vừa công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2021 của cổ đông công ty mẹ âm gần 341 tỷ đồng.
Thông tin được công bố trong ngày giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết kéo dài nhiều ngày và sau khi cổ phiếu của doanh nghiệp này trải qua một chuỗi ngày giảm sàn lên tới cả chục phiên sau cú sốc “Tân Hoàng Minh rút khỏi vụ đấu giá 2,4 tỷ đồng/m2 tại Thủ Thiêm”.
Trong nửa đầu 2021, CII ghi nhận doanh thu hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, việc giãn cách xã hội kéo dài khiến doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm mạnh.
Hai mảng doanh thu chính là thu phí giao thông và bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề do tất cả các trạm BOT phải dừng thu phí trong khi hoạt động kinh doanh bất động sản bị tê liệt hoàn toàn từ đền bù, xây dựng đến kinh doanh.
Theo CII, theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), công ty vẫn phải ghi nhận các chi phí phát sinh trong kỳ, chủ yếu là chi phí lãi vay và phân bổ lợi thế thương mại. Việc mất cân đối nghiêm trọng giữa doanh thu và chi phí theo chuẩn mực VAS đã dân đến kết quả lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2021 của công ty mẹ âm gần 341 tỷ đồng.
Cũng theo giải trình của doanh nghiệp này, kết quả kinh doanh hợp nhất nói trên của CII chưa thể hiện đầy đủ các khoản lợi nhuận mà doanh nghiệp này đã thu thực tế trong năm, trong đó, khoản thu lớn nhất đến từ việc thoái vốn đầu tư cổ phần tại công ty con NBB.
Cụ thể, CII đã thoái vốn thành công 25,4 triệu cổ phiếu NBB, thu về hơn 1.000 tỷ đồng và ghi nhận lợi nhuận khoảng 595 tỷ đồng trên báo cáo tài chính riêng. Tuy nhiên, do NBB là công ty con của CII nên khoản lợi nhuận này được ghi tăng trực tiếp vào lợi nhuận chưa phân phối (trên bảng cân đối kế toán) mà không được hạch toán vào lợi nhuận hợp nhất, dẫn đến tình trạng “lời thật, lỗ giả”.
Giá biến động mạnh, lãnh đạo lời đậm
Trước đó, rất nhiều cổ phiếu bất động sản giảm sau kéo dài. Cổ phiếu CII giảm mạnh từ mức đỉnh 58.000 đồng/cp ghi nhận hồi đầu tháng 1 xuống ngưỡng 27.000 đồng/cp hôm 27/1.
Trong vòng khoảng 2 tháng, CII tăng vọt từ mức dưới 20.000 đồng/cp lên đỉnh cao 58.000 đồng/cp sau thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu giá thành công lô đất 10.000m2 tại Thủ Thiêm với giá 2,4 tỷ đồng/m2. CII được biết đến là trùm đất ở khu vực này.
Giá lên cao, lập tức hàng loạt lãnh đạo kịp thoát hàng cổ phiếu CII ngay trước chuỗi giảm kịch sàn chục phiên liên tiếp.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng ban Kiểm toán nội bộ CII đã hoàn tất bán ra toàn bộ gần 291 nghìn cổ phiếu CII đang nắm giữ từ 29/11 đến 16/12/2021. Khoảng nửa đầu tháng 11/2021, ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CII và ông Dương Quang Châu, Giám đốc phòng quản lý dự án hạ tầng CII đã lần lượt bán ra 393 nghìn và 180 nghìn cổ phiếu CII.
Cổ đông lớn đến từ nước ngoài là VIAC (No.1) Limited Partnership "miệt mài" thoái bớt vốn tại CII khi thị giá tăng cao. Tổ chức này bán 13,5 triệu cổ phiếu CII từ tháng 11 tới đầu tháng 1 và gần đây đăng ký bán 5,5 triệu cổ phiếu CII từ ngày 10/1 đến 8/2022.
CII là một doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng và gần đây đầu tư nhiều vào bất động sản. Doanh nghiệp này có "đất kim cương" ở khu Thủ Thiêm.
CII đã được giao khoảng hơn 90 nghìn mét xuống đất sử dụng ổn định lâu dài và hơn 6 nghìn mét vuống đất sử dụng 50 năm (để xây dựng văn phòng). Đây đều là những khu đất đẹp, dọc bờ sông, công viên, và trục đường Bắc Nam, tiếp giáp với cầu Thủ Thiêm 1.
Mặc dù nắm giữ quỹ đất vàng rất lớn và triển khai nhiều dự án nổi bật nhưng CII ghi nhận lợi nhuận khiêm tốn: chỉ hơn 520 tỷ trong 20219 và 472 tỷ trong 2020 và giảm sút trong quý III/2021 do tác động của dịch Covid -19 khiến nhiều hoạt động bị tạm dừng.
Theo M. Hà (VietNamNet)