- Thưa ông, TPP 11 vừa có tên gọi mới là CPTPP. Theo đánh giá của ông, TPP11 mà thiếu Mỹ sẽ như thế nào?
TS. Trần Toàn Thắng: Mỹ là trụ cột chính trong TPP. Không chỉ Việt Nam, hầu hết các nước đều nhằm vào thị trường Mỹ khi tham gia thỏa thuận này. Việc thiếu Mỹ đương nhiên làm tính toán của mỗi quốc gia trong TPP thay đổi. Vấn đề này đã được đề cập nhiều ở thời điểm đầu năm 2017.
Điều đáng nói ở đây là TPP không có Mỹ (TPP11) có phải là con số 0 với các nước còn lại hay không?
Do tác động chuyển hướng thương mại, một quốc gia có thể được lợi hoặc bị thiệt hại ngay cả khi không tham gia một FTA. Tôi cho rằng các nước đều đã tính đến điều này khi quyết định tham gia các cuộc họp từ đầu tháng 5/2017 liên quan đến tương lai của TPP11.
Nếu không tham gia trong khi các nước khác vẫn tiếp tục tham gia, thương mại, đầu tư và tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Việt Nam cũng vậy. Khi TPP còn có Mỹ, các phân tích cho thấy Việt Nam được hưởng lợi rất tích cực như GDP tăng thêm 6,7%, góp thêm 15-17% tăng trưởng về xuất khẩu. Còn khi TPP không có Mỹ con số này giảm đi rất nhiều. Nhưng điều này không có nghĩa là không nên tham gia.
- Giảm như thế nào, thưa ông?
Kết quả phân tích của chúng tôi cho thấy Việt Nam không được lợi nhiều về mặt con số định lượng khi có TPP11. Chẳng hạn, với TPP 11, GDP tăng thêm chỉ đạt 1,32%, trong khi với TPP12 (nếu gồm cả Mỹ - PV) là 6,7%. Xuất khẩu với TPP11 tăng thêm 4%, trong khi TPP12 khoảng 15%. TPP11 làm tăng nhập khẩu 3,8%, còn TPP12 tăng nhập khẩu 10,5%. Điều đó có nghĩa so với TPP12 mức độ hưởng lợi của Việt Nam trong TPP 11 giảm rất nhiều do thiếu lợi ích tăng thêm từ thị trường Mỹ. Như vậy về mặt định tính chúng ta cũng có thể hình dung được.
Tuy nhiên kể cả khi con số lợi ích mang lại cho kinh tế Việt Nam rất ít thì việc tham gia TPP11 cũng là điều đáng cân nhắc. Nếu không tham gia có tiêu cực không?
Câu trả lời là có. Khi các nước tập trung buôn bán với nhau trong TPP thì sẽ giảm buôn bán với Việt Nam. Đó là việc đương nhiên. Trong khi đó, Việt Nam bị mất cơ hội tận dụng được lợi thế với các thị trường bên kia Thái Bình Dương gồm Canada, Mexico, Peru là những thị trường Việt Nam chưa có hiệp định thương mại.
Tôi cho rằng một số ngành như dệt may, da giày, một số ngành thâm dụng lao động khác Việt Nam vẫn được lợi, vẫn tăng xuất khẩu trong khối TPP11. Chúng ta chỉ không được tăng lợi thế trên thị trường Mỹ thôi chứ không hoàn toàn mất thị trường Mỹ vì hàng Việt Nam vẫn đang vào Mỹ.
Ngoài ra, phân tích định tính thì có một yếu tố thuộc về cơ hội mà khi không tham gia TPP11 ta có thể bị thiệt. Đó là các nước thỏa thuận tham gia TPP11 đều kỳ vọng: biết đâu một vài năm nữa Mỹ trở lại. Khi đó, lợi ích của Hiệp định này lại khá lớn cho Việt Nam.
Việc lo ngại về nhập khẩu và cạnh tranh trong nước, nếu chỉ nhìn trên góc độ cắt giảm thuế quan, thì cũng không ảnh hưởng nhiều nếu ta tham gia. Các thị trường châu Á ta đã có cam kết rồi, thuế quan nhập khẩu sẽ tiếp tục bị cắt giảm, có hay không có TPP11 thì sức ép cạnh tranh từ hàng nhập khẩu châu Á cũng vẫn sẽ tăng lên.
Các nước bên kia Thái Bình Dương không phải là nguồn nhập khẩu chính từ Việt Nam, mà lại là Trung Quốc và Hàn Quốc. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, TPP11 có tác động làm tăng nhập khẩu, nhưng chủ yếu vẫn là từ ngoài TPP11.
- Thực ra, Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương với khu vực và thế giới như với ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hiệp định Việt Nam - EU,... Bản thân chúng ta còn chưa tận dụng hết được cơ hội từ các hiệp định này. Cho nên, câu hỏi đặt ra là chúng ta cứ tận dụng hết cơ hội của các hiệp định này đã là tốt rồi, đâu cần quá sốt sắng với CPTPP?
Đây là câu hỏi hay. Phải nói ngay rằng ngay cả khi không có TPP11, Việt Nam đã mở cửa rất nhiều rồi. Các nước tham gia TPP11 không hoàn toàn là thị trường mới được tự do hóa của Việt Nam mà chỉ có 3 nước Peru, Mexico, Canada. Thêm được thị trường mới, đó là cơ hội cần phải tiếp tục tận dụng, thách thức về nhập khẩu, như tôi đã nói ở trên là không đáng kể.
Hơn nữa, thách thức về cải cách thể chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa trong TPP11 và EU-VN FTA cao hơn những hiệp định đang có.
Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, việc tăng thêm sức ép từ TPP11 cho cải cách trong nước là cần thiết. Một điểm khác, tôi cũng đã nói, nếu không tham gia, không nhưng ta không có cơ hội tiếp cận thị trường mới, trong khi lại có thể bị thiệt. Trong phân tích TPP12, Trung Quốc là nước chịu thiệt nhiều. Còn với TPP11 thì Mỹ là nước chịu thiệt nhiều vì TPP11 có thể làm xuất nhập khẩu của Mỹ giảm xuống.
- Các nước đạt thỏa thuận bước đầu về TPP11 đều kỳ vọng một ngày nào đó Mỹ quay trở lại. Ông có nghĩ Mỹ sẽ quay lại TPP?
Kỳ vọng ấy là đương nhiên. Khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP vào tháng 1/2017, không phải nước nào cũng sẵn sàng duy trì TPP, trừ Úc và Nhật là 2 nước đã thông qua TPP. Từ tháng 5 lại đây, với sự thúc giục của hai quốc gia này, kỳ vọng về TPP11 của các nước lớn dần lên. Người ta đã nghĩ đến chuyện có thể Mỹ trở lại.
Bằng chứng là các nước tạm thời trì hoãn một số cam kết chứ không thỏa thuận lại hoàn toàn Hiệp định này. Đó là tín hiệu các nước đang kỳ vọng Mỹ tham gia trở lại.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Lương Bằng (VietNamNet)