Tại cuộc họp báo diễn ra vào 11h00 ngày 11-11 ở Đà Nẵng, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết trong số 8.000 trang của TPP mới, có tên là CPTPP - Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - vừa được các bên thông qua, còn khoảng 20 điều khoản tạm hoãn, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ.
CPTPP vẫn muốn Mỹ quay lại
Về vấn đề phái đoàn Canada thay đổi thái độ vào phút chót, Bộ trưởng Motegi nói rằng:
"Chúng ta phải hỏi thẳng Canada. Có thể là do quy trình trong nước hoặc sai sót trong quá trình trao đổi thông tin."
Ông cho biết sau khi đạt được thống nhất, "Chúng tôi đang yêu cầu Canada khẳng định lại sự nhất trí".
"Chúng tôi đã nỗ lực duy trì một thoả thuận chất lượng cao như TPP. Nhiều quốc gia đã đề xuất nhiều điều khoản tạm hoãn nhưng nếu quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến thoả thuận. Do đó, các nước đã đồng ý đưa ra danh sách điều khoản có giới hạn", ông Motegi giải thích về khó khăn trong quá trình đàm phán.
Ông cho biết các bên đạt được đồng thuận nhờ có chung mục tiêu chung là phải đạt được TPP-11 nhằm kêu gọi Mỹ quay trở lại.
Bộ trưởng Motegi cho biết thoả thuận dự kiến sẽ có hiệu lực trong 60 ngày. Hiện các bên đang tiến hành dịch tài liệu sang tiếng Pháp và Tây Ban Nhà và rà soát tính pháp lý.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết tại Đà Nẵng, đoàn đại biểu các nước thành viên TPP đã nhóm họp từ 8-10 tháng 11 để thảo luận về việc đưa Hiệp định TPP vào hiệu lực trong tình hình mới.
"Đâu là những gút mắc và khó khăn lớn nhất của Việt Nam trong việc đàm phán TPP-11?", PVđặt câu hỏi.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết hiện giờ chưa thể thông tin chi tiết cụ thể về các khó khăn mà Việt Nam gặp trong đàm phán, nhưng nhìn chung, Việt Nam đã gặp khó khăn nhất định trong việc "duy trì, thảo luận, thống nhất, cũng như tìm cách cân bằng chung các lợi ích của các quốc gia".
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm Việt Nam đã có những nghiên cứu thực tiễn về các mặt của phát triển triển kinh tế - xã hội, để có những đóng góp trong việc cân bằng lợi ích của các thành viên TPP-11.
"Chúng tôi rất vui mừng vì đã đạt được nhiệm vụ và đã đạt được thỏa thuận chung về TPP," ông Trần Tuấn Anh trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết các bộ trưởng đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng, đồng thời cho biết các bộ trưởng trong phiên họp những ngày vừa qua tại Đà Nẵng đã thống nhất tên gọi mới cho TPP là: Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn lại nội dung tuyên bố chung của 11 bộ trưởng thành viên hiệp định mới CPTPP, đồng thời nhận định rằng "kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã giúp tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và thúc đẩy sự hội nhập kinh tế có hiệu quả hơn".
Trả lời câu hỏi các nước đã gặp khó khăn gì trong việc thảo luận TPP mà không có sự tham gia của Hoa Kỳ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết TPP-12 (bao gồm cả Hoa Kỳ) đã được các quốc gia đàm phán với các tiêu chuẩn và chuẩn mực rất cao trong nhiều khía cạnh và lĩnh vực.
Khi đạt được thỏa thuận TPP12, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các quốc gia đều rất hài lòng. Tuy nhiên, TPP12 với những tiêu chuẩn rất cao, đạt được nhiều điểm cân bằng lợi ích chung giữa các quốc gia, và phía Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định này đã "gây ra những khó khăn nhất định".
Các trưởng đoàn đã thống nhất cách tiếp cận là sẽ duy trì các tiêu chuẩn chất lượng cao và toàn diện của hiệp định. Các bộ trưởng đã có những quan điểm xây dựng và chính sách thực tiễn. Qua 4 vòng đàm phán TPP-11, các thành viên đi đến những thỏa thuận rất quan trọng về những vấn đề cốt lõi như duy trì TPP chất lượng cao và đáp ứng lợi ích của các quốc gia.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
Trước đó, các nguồn tin của Tuổi Trẻ Online đã khẳng định 11 Bộ trưởng TPP-11 (bao gồm cả Canada) đã chính thức thông qua thỏa thuận này, với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương.
Tên gọi mới của hiệp định này, viết tắt là CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership), theo các nguồn tin của Tuổi Trẻ Online.
Trong một văn bản chúng tôi có được từ Phái đoàn Chile, 11 bộ trưởng kinh tế - thương mại của các thành viên này đã chính thức đạt được thỏa thuận vào tối ngày 10-11, giờ Việt Nam.
Sáng ngày 11-11, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Các bộ trưởng rất hài lòng thông báo đã nhất trì về các yếu tố cốt lõi của Thỏa thuận toàn diện và tiến bộ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, tuyên bố đề cập đến tên gọi mới của thỏa thuận.
Theo các thông tin, một số điều khoản trong gói thỏa thuận cuối cùng do Nhật Bản soạn thảo sẽ bị tạm hoãn do còn một số lĩnh vực cần hoàn thiện "để chuẩn bị cho văn bản ký kết cuối cùng".
Cuộc họp báo diễn ra sau những ngày làm việc cật lực của các bộ trưởng TPP 11, tên gọi của hiệp định sau khi Mỹ tuyên bố rút lui, đặc biệt là hôm qua 10-11 sau khi thoả thuận gặp trục trặc khiến cuộc họp cấp cao TPP không thể diễn ra như dự kiến.
Sau cuộc họp khuya ngày 10-11, Canada xác nhận "đã đạt được tiến bộ" trong đàm phán trong khi đó, bộ trưởng tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết các bên đã nhất trí kế hoạch cho TPP.
Đàm phán TPP: Bộ trưởng Nhật đã cười Khác với vẻ căng thẳng, tất bật cả ngày, đêm 10-11, Bộ trưởng tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi rời phòng họp về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với gương mặt giãn nở và nụ cười trên môi.
Tối 10-11, cuộc họp kín của các bộ trưởng TPP diễn ra căng thẳng trong nhiều giờ liền.
Tuy nhiên, cuộc đàm phán kết thúc mà không rõ diễn biến mới khi các bộ trưởng rời khỏi cuộc họp giữa đêm khuya trong im lặng.
Cuộc họp báo kết quả dự kiến diễn ra trưa nay (11-11), nhiều khả năng sẽ đưa ra được câu trả lời cho số phận của TPP.
Cuộc họp là diễn biến mới nhất sau khi có tin Canada không có mặt tại cuộc họp cấp cao trưa 10-11 trong sự bất ngờ của các nguyên thủ.
Nguyên nhân được cho là một khúc mắc từ đoàn đàm phán Canada xuất hiện liên quan đến một điều khoản trong gói thoả thuận cuối cùng.
Dù là cuộc họp kín, không khí căng thẳng bao trùm khi các trợ lý liên tục in lại nội dung điều khoản trong gói.
Mỗi bản in phải được duyệt qua từng bộ trưởng của mỗi nước. Bên trong phòng họp, các bộ trưởng cẩn thận xem xét các bản in, thảo luận liên tục, có lúc tập trung quanh bộ trưởng thương mại Canada François-Philippe Champagne.
Bộ trưởng tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi liên tục ra khỏi phòng họp hút thuốc, gọi điện, có lúc bỏ đi cùng đoàn tuỳ tùng rồi trở lại.
Vẻ đăm chiêu thường trực trên gương mặt ông Motegi, trái với vẻ mặt tươi cười khi ông bước ra khỏi phòng họp tối 9-11 với tuyên bố chắc nịch rằng các bên đã "đạt được đồng thuận về nguyên tắc" về TPP -11, tên gọi hiệp định TPP sau khi Mỹ tuyên bố rút lui.
Khi PV hỏi về cuộc đàm phán, ông Motegi chỉ đáp ngắn gọn: "Chưa xong".
Được đề nghị đánh giá liệu đàm phán có thuận lợi hay không, ông khoát tay. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cũng chỉ lắc đầu thay cho câu trả lời mỗi khi rời phòng họp…
Việc Canada không tham dự cuộc họp cấp cao TPP diễn ra sau cuộc gặp riêng giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với Thủ tướng Canada Justin Trudeau về một vấn đề còn vướng mắc.
Thủ tướng Abe sau đó trở lại phòng họp, nơi các thành viên còn lại đang ngồi chờ và thông báo rằng người đồng nhiệm Trudeau sẽ không tham gia cuộc họp cấp cao này.
Theo Quỳnh Trung - Trần Phương (Tuổi Trẻ)