Thông tin về tình hình xăng dầu trên địa bàn TPHCM tại cuộc họp báo chiều 17/2, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, từ khi điều chỉnh giá vào ngày 11/2 đến nay, TPHCM chỉ có 3 cửa hàng tạm ngưng hoạt động. Trong đó, 2 cửa hàng đã đóng cửa từ trước, chờ cấp giấy kinh doanh xăng dầu và sửa chữa hệ thống phòng cháy chữa cháy; 1 cửa hàng chủ qua đời nên tạm thời đóng cửa.
Qua công tác kiểm tra ghi nhận, từ 12/2 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 5 cửa hàng không đóng cửa nhưng thiếu một số mặt hàng, có lúc thiếu xăng, có lúc thiếu dầu. Đến nay, 2 cửa hàng đã có lượng xăng dầu đầy đủ. Cả 5 cửa hàng này nằm trong số 548 cửa hàng bán lẻ trên toàn thành phố, chiếm chưa tới 1%, do đó không ảnh hưởng đến hoạt động bán lẻ xăng dầu.
Ngày 17/2, một cây xăng mở cửa nhưng không bán hàng (Ảnh do bạn đọc cung cấp) |
Để đáp ứng nhu cầu xăng dầu của người dân và các doanh nghiệp, 71 cửa hàng và 43 đại lý của Petrolimex (chiếm hơn 1/5 số cửa hàng bán lẻ của TPHCM) đã tăng giờ bán so với trước. Trong đó, 27 cửa hàng phục vụ 24/24, còn lại hoạt động từ 6-24 giờ/ngày.
Ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, về nguồn hàng dự trữ, qua báo cáo của 8/15 doanh nghiệp đầu mối (chiếm 70% nguồn hàng tại TPHCM) lượng dự trữ xăng dầu cũ và nhập khẩu hiện là 465.000m3 cả xăng và dầu. Mức tiêu thụ mỗi tháng trên địa bàn TPHCM khoảng hơn 200.000m3. Với lượng xăng dầu hiện có, thành phố đủ dự trữ cho hơn 2 tháng.
Phân tích về nguyên nhân thiếu hụt xăng dầu cục bộ đang diễn ra, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, các đơn vị thiếu nguồn cung đều lấy hàng tại nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Tuy nhiên, thời gian qua, nhà máy này giảm sản lượng nên nguồn cung ra thị trường giảm sút. Dự báo, từ nay đến cuối tháng, sản lượng của nhà máy Nghi Sơn sẽ tăng, bên cạnh đó giá dầu thế giới đang có xu hướng giảm, lượng hàng nhập khẩu về liên tục thì đến cuối tháng 2/2022 tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ của thành phố sẽ được giải quyết.
Theo Vân Sơn (Tiền Phong)