Sau kỳ nghỉ lễ, chứng khoán trong nước trở lại khởi sắc nhờ tâm lý tích cực của nhà đầu tư liên quan tới Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước và thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp thăm Việt Nam. Tuy vậy, đà tăng điểm sớm gặp thách thức khi chỉ số VN-Index tiến đến đỉnh cũ hồi tháng 8.
Chỉ số chính điều chỉnh nhẹ trong 2 phiên cuối tuần khi gặp kháng cự, tuy nhiên các nhóm ngành thép, chứng khoán, vận tải, hóa chất, dầu khí và xuất khẩu vẫn luân phiên tăng điểm, nhờ kỳ vọng vào câu chuyện hồi phục cuối năm nay. Theo đó, VN-Index chốt tuần qua tại mức 1.241 điểm, tăng 1,4% so với tuần trước
Thanh khoản hồi phục đáng kể sau kỳ nghỉ lễ với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 27.682 tỷ đồng (tăng 19,6% so với tuần trước). Giao dịch khối ngoại vẫn là điểm trừ, bán ròng 763 tỷ đồng trên cả ba sàn.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Chứng khoán VNDirect - nhận định, tuần tới, thị trường có thể đón nhận một số thông tin hỗ trợ liên quan tới chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
“Có một thống kê khá thú vị là trong những lần Tổng thống Mỹ sang Việt Nam trước đây thì thị trường chứng khoán thường diễn biến khá tích cực. Điều này là do những kỳ vọng về sự cải thiện hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sau mỗi chuyến thăm.
Hiện tại, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta. Đồng thời, Mỹ cũng hiện là nhà đầu tư lớn thứ 11 vào Việt Nam. Trong chuyến thăm lần này sẽ có nhiều doanh nghiệp của Mỹ tháp tùng và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam như Boeing, Google, Walmart…”, ông Hinh cho biết.
Những thông tin này được dự báo sẽ hỗ trợ tích cực cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là tại các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp, và các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao sang thị trường Mỹ như thủy sản, đồ gỗ, vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thị trường vẫn đang chịu áp lực liên quan tới vấn đề tỷ giá. Trong bối cảnh tỷ giá tăng, áp lực lạm phát quay trở lại trong những tháng cuối năm thì dư địa chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước có thể bị thu hẹp đáng kể. Bên cạnh đó, P/E của VN-Index hiện đã lên mức 14,8 lần, không còn rẻ như giai đoạn đầu năm. Trong bối cảnh định giá không còn rẻ, ông Hinh cho rằng, nhà đầu tư nên chiến lược linh hoạt hơn ở thời điểm hiện tại, duy trì tỷ trọng danh mục ở mức cân bằng (khoảng 70% cổ phiếu) và hạn chế sử dụng đòn bẩy.
Nhóm phân tích của Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo 2 kịch bản cho thị trường tháng 9. Ở kịch bản thứ nhất, cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ và Tổng bí thư Việt Nam được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển giữa hai nước. Song song với đó, Chính phủ hành động quyết liệt, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, cơ chế chính sách cho các lĩnh vực, thúc đẩy đầu tư công trong các tháng cuối năm 2023. Những yếu tố kể trên sẽ tạo tâm lý tích cực cho thị trường.
Theo đó, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức khả quan. Bức tranh kinh doanh quý 3 các doanh nghiệp dần sáng. Chuyên gia của BSC kỳ vọng, VN-Index sẽ quay trở lại kiểm định vùng 1.280 - 1.300 điểm, giao dịch khối ngoại bớt tiêu cực.
Kịch bản thứ hai, không loại trừ khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ,Ngân hàng trung ương châu Âu tiếp tục phát đi những tín hiệu “diều hâu” trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9. Tỷ giá có thể sẽ diễn biến căng thẳng, trong khi đà bán ròng của nhà đầu tư cá nhân chưa có dấu hiệu dừng lại.
Mặt khác, nền kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục xu hướng kém khả quan, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ nước này. Trong trường hợp này, BSC dự báo, VN-Index có thể chứng kiến những phiên rung lắc, quay trở lại kiểm nghiệm ngưỡng 1.200 điểm và các mốc thấp hơn đã thiết lập trước đó.
Theo Việt Linh (Tiền Phong)