Cú bứt phá bất ngờ trước kỳ nghĩ lễ dài
Thị trường chứng khoán (TTCK) duy trì được trạng thái tích cực trong phiên giao dịch cuối cùng hôm 31/8 trước nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9. Khối ngoại cũng mùa ròng trở lại với niềm tin đặt vào khá nhiều mã cổ phiếu chủ chốt.
Tính cả tuần trước kỳ nghỉ lễ dài, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 3,4% dù đây là thời điểm thị trường tài chính đón nhận nhiều thông tin không mấy tích cực, trong đó có hiện tượng tỷ giá tăng nhanh trở lại. Giá bán đồng USD tại hệ thống ngân hàng tăng từ dưới ngưỡng 24.000 đồng/USD có lúc lên trên 24.300 đồng.
Cú tăng tỷ giá khiến nhiều người lo ngại và nhóm các nhà đầu tư nước ngoài cũng có nhiều phiên bán mạnh. Đây là điều thường thấy khi tỷ giá USD/VND tăng lên cao, đồng USD lên giá nhanh so với đồng nội tệ.
Bên cạnh đó, lãi suất trong nước có xu hướng được điều chỉnh xuống nhanh, trong khi mức lãi của đồng USD trên thị trường quốc tế vẫn nhích lên đều đặn sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có 11 lần tăng lãi suất điều hành, với tổng mức tăng 500 điểm phần trăm, kể từ tháng 3/2022.
Fed được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa, có thể ngay trong cuộc họp tháng 9 này, hoặc trong cuộc họp tháng 11, sau đó giữ ở mức cao thêm một thời gian dài nữa để chống lạm phát.
Đồng USD còn tăng do đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc suy yếu trong nhiều tháng qua theo những tín hiệu không tích cực từ nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản của nước này.
Một đồng USD mạnh gây áp lực lớn lên TTCK Việt Nam.
Trong tháng 8, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 3.000 tỷ đồng, nối dài mạch bán ròng lên tháng thứ 5 tháng liên tiếp.
Nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với những kết quả kinh doanh yếu kém như hậu quả của một đợt khủng hoảng kéo dài trong hơn một năm qua.
Ngay trước đợt nghỉ lễ 2/9, các doanh nghiệp công bố nghìn tỷ bốc hơi. Lợi nhuận sau kiểm toán soát xét tụt giảm như trường hợp Novaland (NVL) hay Xây dựng Hòa Bình (HBC).
Tuy nhiên, niềm tin vào TTCK đang rất mạnh. Việc cổ phiếu đồng loạt tăng ngay trước thềm kỳ nghỉ lễ kéo dài là điều ít thấy. Thanh khoản cũng ở mức khá cao.
Trong tháng 8, thị trường chứng khoán diễn biến sôi động. Thanh khoản sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) tăng hơn 11% so với tháng trước, lên mức 20.300 tỷ đồng/phiên.
Triển vọng tươi sáng
Trong bối cảnh khối ngoại bán mạnh với nguyên nhân được cho là chủ yếu vì tỷ giá, các nhà đầu tư (NĐT) cá nhân trong nước đã mua vào rất mạnh và là yếu tố nâng đỡ TTCK bay cao, chỉ số VN-Index vượt lên trên ngưỡng 1.200 điểm.
Với mức định giá như hiện tại, nhiều cổ phiếu không còn rẻ. Chỉ số giá/thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) đã lên tương đương những giai đoạn tăng nóng trước đó, như giữa năm 2021.
Tuy nhiên, đây là thời điểm các doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh vì những khó khăn trước đó. Kỳ vọng của giới đầu tư vào những kết quả tích cực ở phía trước, có thể cuối năm 2023 và trong năm 2024, là rất lớn.
Gần đây, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh. Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), các NĐT đã mở mới 151 nghìn tài khoản, tăng 3% so với mức 146 nghìn tài khoản mở mới trong tháng 6. Đây cũng là mức cao nhất của tháng tính trong vòng một năm qua.
Cũng ngay trước kỳ nghỉ lễ 2/9, khối ngoại bất ngờ đảo chiều, không ngần ngại mua vào nhiều nhóm cổ phiếu, trong đó có nhóm đầu tư công dù cổ phiếu sẽ về tài khoản vào giữa tuần sau đó.
Theo các chuyên gia, TTCK có nhiều điểm hấp dẫn các NĐT. Đó là mặt bằng lãi suất thấp (lãi tiền gửi tiết kiệm giảm mạnh) sau khi Ngân hàng Nhà nước mạnh tay cắt giảm lãi suất điều hành 4 lần trong năm 2023, giảm trung bình khoảng 150 điểm cơ bản. Mặt bằng lãi suất huy động hầu hết về mức 4% cho ngắn hạn và 6-7% cho dài hạn. Nguồn tiền nhàn rỗi được dự báo sẽ tiếp tục chuyển dịch sang chứng khoán.
Theo VnDirect, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II/2023 đã cải thiện hơn so với quý I. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2023.
Theo đó, GDP nửa cuối năm, được dự báo tăng trưởng trưởng 7,1% so với cùng kỳ, qua đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm 2023 lên 5,5%. Nền kinh tế Việt Nam sẽ duy trì đà phục hồi trong năm 2024.
Với một kết quả kinh doanh tốt hơn trong nửa cuối năm, định giá các cổ phiếu sẽ hấp dẫn trở lại.
Gần đây, một số đánh giá cho rằng, lượng hàng tồn kho của Mỹ đã chạm đáy. Nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng cường nhập khẩu trong các tháng tới. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực dệt may, da giày, gỗ, thủy sản,... sẽ hưởng lợi.
Các NĐT cũng hào hứng với việc triển khai hệ thống giao dịch KRX, dự kiến đưa vào giao dịch cuối năm nay, với nhiều sản phẩm mới. Một số dự báo cho rằng, với hệ thống KRX mới và sắp tới là khả năng nâng hạng, thanh khoản trên TTCK có thể lên tới 3-4 tỷ USD/phiên.
Đồng USD dự báo sẽ không leo thang như hai tuần gần đây do Fed có thể không tăng lãi suất trong tháng 9 và giọng điệu của nhiều quan chức Fed cũng đã bớt diều hâu. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu ổn định hơn. Bắc Kinh đã có những chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản. Gã khổng lồ Country Garden tạm thoát cảnh vỡ nợ sau khi tập đoàn Evergrande phá sản.
Về dài hạn, Việt Nam được cho là sẽ bứt tốc với vị thế khu vực kinh tế năng động hàng đầu trên thế giới sau một loạt các hiệp định thương mại tư do đa phương và song phương.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp có chuyến thăm Việt Nam hôm 10/9 tới. Đây là bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước. Mỹ và Việt Nam có thể nâng cấp quan hệ kinh tế lên một tầm cao mới.
Trước đó, hôm 22/8, Việt Nam và Úc đã nhất trí tập trung triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, trong đó có việc hiện thực hóa ý định nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Vấn đề này cũng được đặt ra với Singapore, tại buổi lễ Thủ tướng Phạm Minh Chính đón tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 28/8. Quốc đảo sư tử hiện đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký mới hơn 3,6 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm.
Chứng khoán BVSC cho rằng, trợ lực từ kết quả kinh doanh cải thiện trong nửa sau năm 2023 và năm 2024 sẽ giúp đưa định giá VN-Index trở lại mức hấp dẫn hơn. Trong trung hạn, BVSC kỳ vọng chỉ số chính sẽ hướng tới mục tiêu 1.300-1.350 điểm.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)