Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) hiện đã cơ bản hoàn thành phần xây lắp công trình và hạ tầng chạy tàu, tuy nhiên các hạng mục phụ trợ của dự án vẫn còn chậm. Nguyên nhân của vấn đề được phía Tổng thầu Trung Quốc thừa nhận là do thiếu tiền.
Trao đổi với PV sáng 5/5, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết, chiều qua (4/5), Bộ GTVT có cuộc họp thường kỳ với Ban Quản lý dự án Đường sắt và Tổng thầu Trung Quốc để đánh giá về tiến độ dự án.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, hiện nay, khối lượng xây lắp công trình của Dự án, phần hạ tầng chạy tàu cơ bản hoàn thành. Toàn bộ 13 nhà ga trên cao của tuyến đường sắt cũng đã hoàn thành kết cấu chính và cơ bản hoàn thành công tác trang trí, hoàn thiện các nhà ga.
Đường ray chính tuyến dài hơn 28.000 mét và 1.200 mét đường ray đường thử tàu đã hoàn thành. Nhà thầu đang triển khai thi công đường ray kết nối khu Depot và ray nhánh nội bộ đến các phân khu rà soát, sửa chữa, lập tàu.
Các biển báo trên hệ thống đường chạy tàu cơ bản đã được lắp đặt |
Tuy nhiên, phần nền đường, hàng rào, đường nội bộ, một số hạng mục và gói thiết bị phục vụ dự án đang thi công nhưng vẫn chậm. Sự phối hợp giữa các nhà thầu phụ thi công các công trình liên quan chưa tốt, vướng mắc các thủ tục hải quan trong nhập khẩu thiết bị, trong công tác thanh quyết toán và nhất là thiếu vốn.
Vấn đề xây dựng quy trình vận hành, khai thác tuyến, chuyển giao, hướng dẫn cho nhân công Metro Hà Nội trong giai đoạn vận hành thử cũng được đặt ra. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các đơn vị làm việc với các cơ quan hữu quan để có được sự thống nhất về các tiêu chuẩn, quy chuẩn khi tuyến đi vào khai thác.
Phía Hà Nội, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, nguồn tài chính… để tiếp nhận việc quản lý, vận hành, khai thác tuyến Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên, để vận hành, khai thác được thông suốt, cần phân định rõ trách nhiệm của Tổng thầu Trung Quốc và mốc thời gian theo hợp đồng, từ đó xác định những nội dung cần chuyển giao, đặc biệt là vấn đề đào tạo nhân lực trong thực tế khi vận hành thử.
Trên công trường công nhân đang thi công hạng mục về điện, hàn thanh tiếp địa, để đảm bảo an toàn chạy tàu trong điều kiện mưa giống có sấm sét |
Ông Đường Hồng - Giám đốc điều hành dự án, Tổng thầu EPC Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc - thừa nhận: Nguyên nhân chậm tiến độ là do thiếu vốn để thanh quyết toán các công việc hoàn thành.
Theo đại diện Tổng thầu Trung Quốc, dù Ban Quản lý dự án đường sắt cũng như Tổng thầu đã chủ động, tích cực làm việc với các cơ quan liên quan và Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank) nhưng vốn vẫn chưa được giải ngân đầy đủ.
Với tình hình nói trên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, nhất là về vốn; Xây dựng trình tự thanh toán nhanh các khối lượng thi công hiện trường, bao gồm cả thanh toán cho nhà thầu phụ.
“Bộ GTVT sẽ có văn bản gửi sang ngân hàng Eximbank Trung Quốc đề nghị nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để giải ngân vốn phục vụ dự án” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường thông tin.
Dự án sẽ vận hành chạy thử vào tháng 10/2017 và dự kiến khai thác thương mại vào quý II/2018 |
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, sử dụng vốn vay của Trung Quốc với tổng mức đầu trên 18.000 tỷ đồng. Tuyến đường dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao.
Theo kế hoạch, cuối tháng 7/2017 dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị, tháng 10/2017 sẽ chạy thử liên động toàn hệ thống trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng. Dự kiến, quý II/2018 dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.
Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)