Cơ bản phải tăng cường phối hợp giữa cơ quan hải quan, công an kinh tế và QLTT để hàng hóa được kiểm soát từ cửa khẩu, không tràn về nội địa.
Một chiếc túi được quảng cáo là "túi LV, ví da Dior" trong livestream của trang bán hàng tên Túi xách Glory có giá chỉ… 99.000 đồng. Livestream này thu hút hàng trăm lượt bình luận đặt hàng. Theo người bán trên chính livestream này, họ đã bán được 300 sản phẩm chỉ trong 2 tiếng bán hàng.
Đây chỉ là một trong số hàng chục ngàn livestream mỗi ngày trên mạng xã hội, hình thức này phổ biến đến nỗi có những đơn vị thuê cả nhà nhiều phòng với sẵn các tài khoản, thiết bị để cho người bán hàng thuê livestream.
Nở rộ là vậy, nhưng đa số livestream trên mạng xã hội đều bán hàng fake (hàng giả), hàng không có giấy tờ, đặc biệt với thị trường mỹ phẩm khiến cho người mua tiền mất tật mạng.
Cục QLTT Hà Nội vừa mở cao điểm kiểm tra một số kho hàng, cơ sở kinh doanh, livestream bán hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật. Trong đó có những kho hàng mỹ phẩm, số hàng hóa thu được tính theo... tấn.
Mới đây nhất vào tối 30/6, lực lượng chức năng chủ công là Đội QLTT số 9 đã đột kích, bắt giữ kho hàng cực lớn các loại nước hoa, mỹ phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng tại địa chỉ 76 An Dương (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội).
Kiểm đếm thực tế tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 11.821 sản phẩm nước hoa, kem dưỡng da, đắp mặt, xịt mùi cơ thể, nước tẩy trang các loại có nhãn hiệu do nước ngoài sản xuất chủ yếu là Dior, Chanel, Gucci, Valentino, Louis Vuitton.... Toàn bộ các mặt hàng này đều không có giấy tờ nhập khẩu vào thời điểm kiểm tra.
Theo ông Nguyễn Thế Sơn, Đội trưởng Đội QLTT số 9, kho hàng tính bằng tấn bởi số lượng rất nhiều. Đội QLTT đã phải kiểm đếm từ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau mới xong. Theo ông Sơn, kho hàng được nguỵ trang rất kỹ, thậm chí gắn camera theo dõi. Bên trong có hàng tấn nước hoa các loại được sản xuất theo quy trình công nghiệp.
Trước đó, Cục QLTT Hà Nội cũng phát hiện một kho hàng ở Ba Vì chỉ trong 6 tháng có tới hơn 655.000 đơn hàng được chốt bán. Tức, trung bình một ngày sẽ có hơn 3.000 đơn hàng được gửi đi thông qua hệ thống chuyển phát nhanh. Hàng ở đây không chỉ bán cho Hà Nội mà còn đi khắp các tỉnh thành như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bình Định, Khánh Hòa...
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT thừa nhận hiện nay kinh doanh qua nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội diễn ra phức tạp. Hiện Bộ Công Thương đã trình Chính phủ nội dung sửa đổi Nghị định 52 về thương mại điện tử. Trong thời gian chờ sửa đổi, cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, tăng mức xử phạt để hạn chế tình trạng này.
Mới chỉ xử lý phần ngọn
Lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội cho biết, các cơ sở kinh doanh này hoạt động chủ yếu bằng hình thức online, livetream bán hàng qua mạng xã hội Facebook. Nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, chủ cơ sở thường xuyên đóng cửa, chỉ khi có giao dịch hàng hóa, chủ hàng mới mở cửa, mang hàng đi giao cho khách.
Khó khăn cho các lực lượng chức năng là họ lập nhiều tài khoản Facebook, chạy quảng cáo, đăng ảnh chụp sản phẩm nhưng chỉ có số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận nhắn tin riêng. Các đơn hàng được chuyển khắp cả nước qua hình thức chuyển phát nhanh.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Ban chống buôn lậu thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay hình thức livestream đang rất phổ biến trong bán hàng, tuy nhiên việc "tổng tấn công" các kho hàng livestream thật ra chỉ là hình thức xử lý phần ngọn, "thả gà ra đuổi". Theo ông Phú, kiểm soát trong thị trường nội địa chỉ là phương pháp bổ sung. Cơ bản phải tăng cường phối hợp giữa cơ quan hải quan, công an kinh tế và QLTT để hàng hóa được kiểm soát từ cửa khẩu, không tràn về nội địa. Bên cạnh đó, cần đưa ra chế tài nghiêm khắc để xử lý bán hàng. "Có những kho hàng cả tấn hàng hóa nhưng sau đó chỉ phạt hành chính liệu có thỏa đáng? Cần phải nâng lên hình sự nếu tái phạm hoặc vi phạm với số lượng lớn", ông Phú đề xuất.
Phó Chủ tịch Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu thành phố Hà Nội Phạm Bá Dục cho biết thêm, livestream là một hình thức thương mại nên phải đăng ký kinh doanh, khi phát sinh thu nhập thì tổ chức và cá nhân có thu nhập phải nộp thuế theo quy định. Ông Dục đề nghị: “Nhà nước cần có quy định pháp luật để định hướng, quản lý ngành nghề này hoạt động theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, cần tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính nhằm ngăn chặn hiện tượng "nhờn luật" do mức độ xử phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được”.
Theo Trần Hoàng (Tiền Phong)