Sáng nay (19/7), Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay”.
Chủ trì hội thảo TS Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết thời gian qua KTNN đã thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và đã thu hồi hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Trong đó, có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán.
“Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu NSNN”, ông Phớc chia sẻ.
Tổng KTNN nêu vụ việc tiêu biểu là tại Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Dưới góc độ pháp lý, việc KTNN kiến nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế TTĐB theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa được xem xét và triển khai một cách rõ ràng để hoàn thiện quy định pháp luật, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến công tác quản lý về chuyển giá còn nhiều bất cập và hạn chế.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng khó khăn lớn nhất trong công tác chống gian lận chuyển giá hiện nay chính là nhiều người làm công tác kiểm toán, nghiên cứu về lĩnh vực này vẫn hiểu một cách khá sơ sài, do bản chất hành vi chuyển giá rất phức tạp. Ngoài ra, hệ thống pháp lý về chuyển giá hiện nay vẫn chưa hoàn chỉnh cùng với thiết chế pháp lý chưa đủ mạnh khiến nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn lợi dụng chuyển giá…
Chuyên gia cũng cho hay chuyển giá hiện nay không chỉ xuất hiện ở các tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI mà còn có dấu hiệu diễn ra ngay cả với doanh nghiệp trong nước.
Ông Tuấn đặt câu hỏi: Đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế Việt Nam tương đối lớn, nhưng đã thực sự tương xứng với những ưu đãi mà Nhà nước tạo điều kiện hay không?. Khu vực này hiện chiếm tới 23% tổng quy mô vốn nền kinh tế nhưng chỉ đóng góp 15% vào tổng thu thuế, chỉ nhỉnh hơn khu vực kinh tế trong nước nhưng thấp hơn rất nhiều khu vực kinh tế Nhà nước.
Trong khi đó, tình trạng doanh nghiệp FDI kê khai lỗ đang tương đối cao và liên tục tăng. Nhóm doanh nghiệp báo lỗ, mất vốn và âm vốn chủ sở hữu cũng đang tăng lên, nhưng trong các doanh nghiệp này lại mở rộng quy mô đầu tư.
“Nếu thua lỗ trong 1-2 năm đầu hoạt động thì bình thường, nhưng có những doanh nghiệp thua lỗ hàng chục năm vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng thì đó là dấu hỏi về nghi vấn chuyển giá”, ông Tuấn khẳng định.
Số liệu trong những năm gần đây qua công tác thanh tra, kiểm tra chuyển giá cũng được chuyên gia này dẫn ra, với khoảng 2.000 doanh nghiệp nhóm FDI ở Việt Nam đã giảm lỗ 1,5 tỷ USD, số truy thu truy hoàn xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.
“Nếu nguồn lực đủ mạnh, mở rộng công tác thanh tra, kiểm tra thì con số này có thể sẽ còn tăng lên rất nhiều”, ông Tuấn nói.
Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam không nên thu hút FDI bằng mọi giá, mà chỉ chọn những doanh nghiệp mang giá trị thực sự, đối với những doanh nghiệp không tuân theo chuẩn mực kinh doanh thì không chấp nhận. Không ưu đãi, nhận nhượng quá mức với các tập đoàn lớn.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)