Như vậy, tờ trình nhân sự ứng viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 của Sabeco cho thấy tỷ phú Thái có đến 4 đại diện trong số 7 thành viên.
Cụ thể, 2 thành viên hàng đầu trong danh sách gồm ông Koh Poh Tiong (quốc tịch Singapore) và bà Trần Kim Nga.
Ông Koh Poh Tiong được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của Sabeco trong đại hội cổ đông bất thường hồi tháng 4 vừa qua, hiện đồng thời giữ chức Giám đốc của Fraser & Neave kiêm Chủ tịch ThaiBev và F&N Beer Group. Đến tháng 5, ông chủ tịch này mới đề xuất bổ nhiệm bà Nga giữ chức thành viên HĐQT tạm thời. Bà Nga là Tổng giám đốc của VietBev, được xem là công ty Việt trung gian giúp ThaiBev thâu tóm Sabeco.
Hai nhân vật còn lại là ông Michael Chye Hin Fah (quốc tịch Singapore) và ông Pramoad Phornprapha (quốc tịch Thái Lan).
Trong khi đó, 3 ứng viên còn lại là người Việt, bao gồm ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Lương Thanh Hải và ông Nguyễn Tiến Vỵ.
Được biết, ông Dũng hiện là kế toán trưởng của Sabeco, còn ông Hải là Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn, ông Vỵ trước đó giữ vị trí Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, nay đã nghỉ hưu nhưng giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu - Nước giải khát Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy hai thành viên mới là cánh tay của tỷ phú Thái trong HĐQT được bầu bổ sung đợt này sẽ thay thế các thành viên Tan Tiang Hing, Maicolm và Sunyaluck Chaikajornwat đã được bầu trước đó vào tháng 4. Còn 3 thành viên cũ không còn nằm trong danh sách ứng cử bao gồm ông Nguyễn Thành Nam, ông Nguyễn Bích Đạt và ông Nguyễn Ngọc Hạnh.
Việc loại ông Nam ra khỏi HĐQT cũng đồng nghĩa với chiếc ghế nóng CEO mà ông Nam đang phụ trách chắc chắn cũng sẽ thuộc về người Thái. Thực tế, không chỉ có cấp HĐQT mà ở cấp Ban điều hành gần đây có nhiều biến động. Hồi tháng 5, Sabeco bổ nhiệm 3 nhân sự người Thái làm Phó Tổng Giám đốc (ông Neo Gim Siong Bennett, ông Teo Hong Keng, ông Melvyn Ng Kuan Ngee). Mới đây, ông Nguyễn Minh An, Phó Tổng Giám đốc, từ nhiệm vào hồi tháng 6.
Vậy nếu không có đại diện của mình, Bộ Công Thương sẽ gặp khó về những thông tin trao đổi ở cấp HĐQT của công ty bia có thị phần số 1 Việt Nam. Tỷ lệ sở hữu hiện tại đủ để cổ đông lớn này lên tiếng phủ quyết các chính sách nếu lo ngại bất lợi cho cổ đông, nhưng không thể ngăn cản hay biết được HĐQT đang toan tính điều gì.
Vì thế, nhiều khả năng đại diện Bộ Công Thương sẽ phải “chọn mặt gửi vàng” cho phần vốn của mình ở những ứng viên vừa đề xuất.
Từ năm 2016 đến nay, HĐQT lẫn Ban điều hành của Sabeco liên tục biến động, ở thời điểm trước và sau khi có đại diện người Thái.
Trước đó, vào cuối năm 2017, Bộ Công Thương đã bán 53,59% vốn Sabeco cho Công ty THNN Vietnam Beverage (công ty của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi) với giá trị lên tới gần 5 tỷ USD, nhưng từ nguồn vốn đi vay.
Sau khi thâu tóm và nắm giữ các vị trí quan trọng, Sabeco mới đây đặt ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4.000 tỷ đồng, giảm 19% so với năm ngoái, cho dù ngành bia Việt Nam được dự báo tăng trưởng 5% trong năm nay.
Theo lý giải của Sabeco, nguyên nhân lợi nhuận kì vọng giảm là vì thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 5% từ đầu năm nay, bên cạnh sức tiêu thụ bia có dấu hiệu giảm.
Đại diện Sabeco cũng cho biết sẽ tái cấu trúc lại công ty, bước đầu bằng cách thoái vốn khỏi những khoản đầu tư không hiệu quả. Tính đến thời điểm 31/12/2017, Sabeco có 3 công ty con sở hữu 100% vốn, 19 công ty con sở hữu trên 51% và 19 công ty liên doanh, liên kết.
Số liệu quý I năm nay cho thấy lợi nhuận sau thuế đạt 1.155 tỷ đồng, giảm không nhiều so với con số 1.187 tỷ đồng trong năm ngoái. Trên thị trường, cổ phiếu SAB hiện giao dịch quanh mức 218.000 đồng/cổ phiếu, giảm gần 13% so với thời điểm đầu năm.
Theo Gia Hưng (VietNamNet)