"Dù tăng học phí nhưng Vinschool không lấy bất cứ một đồng lợi nhuận nào, toàn bộ số lợi nhuận đã có đến thời điểm này sẽ được dùng để đầu tư vào việc phát triển cơ sở vật chất và dịch vụ cho nhà trường, thậm chí Vingroup sẽ còn phải dùng các nguồn khác trong Tập đoàn để bù đắp thêm", bà Phan Hà Thủy chia sẻ.
Những ngày gần đây việc quyết định tăng học phí tại hệ thống Vinschool đang gây ra khá nhiều tranh cãi, với nhiều luồng quan điểm khác nhau trên mạng xã hội. Để làm rõ hơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tổng Giám đốc hệ thống Vinschool - bà Phan Hà Thủy.
Xin bà giải thích về thông tin Vinschool lãi 129 tỷ đồng?
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ của Vinschool năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Vinschool là 129 tỷ đồng. Tuy nhiên, tôi khẳng định là bản thân hoạt động giáo dục cho đến thời điểm này không có lãi. Việc Vinschool có lãi là do các thu nhập tài chính do các hoạt động trong nội bộ Tập đoàn Vingroup trước thời điểm công bố phi lợi nhuận và một số khoản thu nhập khác. Các số liệu này sẽ được thể hiện rất rõ trong các báo cáo tài chính được kiểm toán bởi một trong các công ty Big4.
Tuy nhiên, Tập đoàn Vingroup cũng đã có quyết định từ trước là không thu hồi bất cứ một khoản nào mà để lại toàn bộ lợi nhuận theo BCTC cho Vinschool sử dụng (tổng 129 tỷ đồng nêu trên).
Quyết định tăng học phí sẽ ảnh hưởng thế nào tới kế hoạch lợi nhuận của Vinschool trong các năm tới?
Trong kế hoạch tài chính được lập trong 5 năm tới, với việc cải cách và nâng cao chất lượng dạy học, tổng chi phí của Vinschool dự kiến tăng 80% so với thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, theo bảng học phí đã được công bố tới các phụ huynh học sinh, mức tăng học phí bình quân 5 năm chỉ là 12,5% - 20%/năm với hệ chuẩn Vinschool và khoảng 6,67% - 8,24%/năm với hệ nâng cao (do nhà trường cam kết không tăng học phí trong 2 năm 2021 – 2022 và 2022 – 2023 nên thực chất lộ trình này tính cho cả giai đoạn 5 năm, không phải 3 năm).
Ngoài ra, chúng tôi vẫn phải nhấn mạnh rằng, về bản chất đây không phải việc tăng học phí đơn thuần, chúng tôi đang không tăng học phí trên nền chương trình và chất lượng giáo dục như trước, mà đây là việc cải cách để nâng cấp chất lượng trên toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất nhà trường như bể bơi trong nhà, nhà thi đấu đa năng, nhà hát, các sàn thi đấu thể thao, mở rộng các nhà ăn…; hỗ trợ học phí, chi phí xe bus 1 năm đầu cho học sinh chuyển sang cơ sở Trường tại Khu đô thị Vinhomes Riverside – The Harmony; bù chênh lệch giữa mức học phí cho học sinh mới và học sinh cũ; trao học bổng cho các học sinh xuất sắc có hoàn cảnh khó khăn… Tất cả chi phí này sẽ được Tập đoàn Vingroup tài trợ.
Do đó, dù tăng học phí nhưng có thể thấy Vinschool không lấy bất cứ một đồng lợi nhuận nào, toàn bộ số lợi nhuận đã có đến thời điểm này sẽ được dùng để đầu tư vào việc phát triển cơ sở vật chất và dịch vụ cho Vinschool, thậm chí chúng tôi sẽ còn phải dùng các nguồn khác trong Tập đoàn để bù đắp thêm.
Chúng tôi không mưu cầu lợi nhuận từ lĩnh vực Giáo dục mà mục tiêu đầu tiên, trên hết và nhất quán từ những ngày đầu tiên của Vinschool là tập trung mọi nguồn lực để “ươm mầm tinh hoa” - đào tạo ra những công dân có năng lực toàn diện (có thể coi là những nhân tài), có khả năng đóng góp nhiều nhất cho xã hội.
Tại sao nhà trường đợi nhập học mới thông báo tăng học phí? Tại sao không giãn tiến độ để không ảnh hưởng đến những học sinh đang học dở?
Mức học phí Vinschool vừa công bố được áp dụng bắt đầu từ năm 2018 – 2019, có nghĩa Vinschool công khai lộ trình tăng học phí tới các phụ huynh trước 1 năm. Điều này là do nhà trường muốn các phụ huynh học sinh có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tránh bị bất ngờ khi bước vào năm học mới. Đồng thời, Vinschool cũng muốn thông báo chi tiết về kế hoạch cải cách chương trình học, chất lượng học trong thời gian tới.
Vừa qua, chúng tôi đã tiến hành đánh giá toàn diện lại các kết quả của Vinschool và nhận thấy rằng dù các kết quả có được đã được nhiều người gọi là “kỳ tích” nhưng vẫn chưa đạt được những kỳ vọng ban đầu. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định phải thay đổi và với nguyên tắc cũng như phong cách của Vingroup, khi đã quyết định thì chúng tôi sẽ thực hiện rất khẩn trương, nghiêm túc và quyết liệt.
Có ý kiến cho rằng ép học sinh đang học ở Times sang Long Biên là vô lý. Vinschool thấy vấn đề này thế nào?
Việc chuyển học sinh về Khu đô thị Vinhomes Riverside - The Harmony đã được chúng tôi cân nhắc kỹ lưỡng để nâng cấp ngay các tiêu chuẩn dịch vụ từ học kỳ II năm học 2017-2018. Với lộ trình này, sĩ số các lớp sẽ được giảm xuống còn 30 học sinh/ lớp ngay từ học kỳ II này để có thể cải thiện chất lượng giáo dục thông qua sự theo dõi chặt chẽ của các Giáo viên tới từng học sinh.
Việc thay đổi môi trường mới cũng có thể giúp học sinh có thêm được bạn mới, mở rộng các mối quan hệ. Thực tế nhiều học sinh đã chuyển từ các trường khác tới Vinschool trong suốt 3 năm qua, các con đã nhanh chóng thích nghi được với môi trường mới và có thêm những tình bạn đẹp.
Chúng tôi cũng ban hành ngay chính sách hỗ trợ cho việc chuyển cơ sở Trường, theo đó tài trợ 50% học phí học kỳ II năm học 2017-2018 cho học sinh cả 2 hệ và 100% chi phí xe bus Học kỳ II năm học 2017-2018 cho học sinh hệ Song ngữ.
Nhà trường rất mong gia đình cùng phối hợp với thầy cô để chia sẻ với học sinh theo định hướng này.
Học phí tăng thêm sẽ được Vinschool đầu tư cụ thể vào cơ sở vật chất, chất lượng như thế nào?
1. Tăng chi phí để tăng chất lượng nhân sự.
Tăng tỷ lệ giáo viên tinh hoa, điều chỉnh tăng lương và khung lương để nâng chất lượng giáo viên hiện tại và thu hút giáo viên giỏi. Giảm số tiết dạy của giáo viên để tăng thời gian quản lý học sinh, chuẩn bị bài giảng và tham gia đào tạo nâng cấp chất lượng trong khi số tiết học không giảm. Việc này dẫn đến số lượng GV tăng kéo theo chi phí tăng. Tăng chi phí đào tạo giáo viên theo chương trình và các tiêu chuẩn mới.
2. Tăng chi phí do tăng số tiết Tiếng Anh
Đối với Hệ Chuẩn Vinschool: Tăng 50% từ 8 lên 12 tiết và tăng tỷ lệ các tiết tiếng Anh với Giáo viên nước ngoài (100% từ 3 lên 6 tiết). Đối với Hệ Nâng cao: Tăng thời lượng giảng dạy bằng tiếng Anh với Giáo viên nước ngoài. Sau khi tăng số môn Cambridge từ 3 môn lên 5 môn, sô tiết với Giáo viên nước ngoài ở bậc Tiểu học tăng từ 10 tiết lên 20 tiết/ tuần, bậc Trung học cơ sở tăng từ 12 tiết lên 22 tiết/ tuần.
3. Tăng chi phí vận hành để nâng cao chất lượng dịch vụ
4. Tăng chi phí do giảm sĩ số học sinh (với Hệ Chuẩn Vinschool): Hệ chuẩn giảm từ 35 học sinh/lớp xuống còn 30 học sinh/ lớp. Hệ nâng cao duy trì 25 học sinh 1 lớp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Nếu các phụ huynh và học sinh thấy hiện nay mức học phí và chất lượng đào tạo của Vinschool là phù hợp mà không có nhu cầu đầu tư thêm để phải tăng học phí thì Vinschool nghĩ sao?
Chúng tôi rất mong Quý Phụ huynh hãy nhìn vào những lợi ích to lớn mà Vinschool dành cho Học sinh, Phụ huynh, Xã hội. Trong lần cải cách nâng cấp này, chúng tôi không chỉ dành sự đầu tư rất nhiều về tài chính mà còn đầu tư rất nhiều trí tuệ, tâm sức, tâm huyết để nâng cao chất lượng giáo dục, để đào tạo ra những con người không chỉ thành công cho bản thân, gia đình, mà còn tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng. Vì vậy chúng tôi mong Quý Phụ huynh sẽ chia sẻ tầm nhìn này với Nhà trường.
Theo PV (Nhịp sống kinh tế)