Khai trương tại Hà Nội sáng 19/10, đại diện ABER nhận được nhiều câu hỏi về khả năng cạnh tranh khi thị trường gọi xe công nghệ hiện tại đã có nhiều ông lớn nước ngoài như Grab, Go-Viet.
Ông Huỳnh Lê Phú Phong, Tổng giám đốc Aber Việt Nam, cho biết hãng này đã rút ra được nhiều học của các hãng đi trước để lấy lại thị phần dựa vào tính ưu việt của bản đồ tự xây dựng, chính sách chiết khấu thấp, chính sách bảo hiểm cho tài xế…
Vị này cho biết Hà Nội và TP.HCM chỉ là “bệ phóng” để hãng này tiến đánh thị trường mới tại các tỉnh thành khác của Việt Nam. Theo đó, ABER sẽ đánh vào “thị trường ngách” tại các tỉnh còn chưa có dịch vụ gọi xe công nghệ tại Việt Nam.
Điển hình, sau khi ra mắt tại Hà Nội, ABER sẽ khai trương tại Đắk Lắk rồi tiến tới toàn bộ vùng Tây Nguyên. Thái Nguyên cũng trong tầm ngắm của hãng này để xây dựng thị trường gọi xe công nghệ.
Zing.vn đặt câu hỏi về thị phần và số lượng tài xế của ABER khi ra mắt tại TP.HCM, ông Phú Phong cho rằng không có hãng nào có thể đo đếm một cách chính xác thị phần. Vị này nhấn mạnh việc tuyên bố thị phần của một số hãng trước đây chỉ là phỏng đoán, không thể có con số chính xác. Để có có con số chính xác phải đo đếm số lượng khách hàng, doanh thu, số lượng tài xế, cuốc xe…
“Thị trường gọi xe công nghệ hiện tại đang có chung một lượng khách hàng. 80% tài xế cũng chạy cho nhiều ứng dụng khác nhau. Do đó cũng có thể cho là có chung một lượng tài xế. Lại tùy vào mỗi thời điểm lại có những con số khác nhau. Do đó không thể nói rõ ràng thị phần của mình được”, ông chia sẻ.
Ứng dụng ABER mới trở lại sau khi bất ngờ thông báo dừng hoạt động hồi đầu tháng 8. Trước đó, với 2 tháng thử nghiệm, ứng dụng này vẫn tồn tại một số lỗi từ hệ thống, gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)