Tại buổi ra mắt ứng dụng tối 8/6, ông Huỳnh Lê Phú Phong, thành viên sáng lập Aber cho hay nhu cầu về mảng gọi xe công nghệ hiện nay tại Việt Nam còn rất cao. Ông đánh giá, dịch vụ này vẫn chưa đến đỉnh điểm phát triển, trong khi đó, một số công ty vừa rời khỏi thị trường nên đây là cơ hội vàng để Aber xâm nhập.
“Chúng tôi không áp dụng mức chiết khấu cho từng cuốc xe tài xế thực hiện. Thay vào đó, Aber sẽ tính phí quản lý ứng dụng cố định tùy vào tổng thu nhập hàng tháng của tài xế. Mức phí này không tính trực tiếp vào mỗi chuyến xe mà được trừ sau mỗi tháng”, ông Phong nói.
Mức phí quản lý tham khảo hàng tháng mà ứng dụng gọi xe mới này đưa ra được chia làm từng mốc cố định và cách tính khác nhau với xe máy, taxi.
Các đối tác xe máy sẽ được miễn phí sử dụng app nếu tài xế có thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng; thu nhập từ 500.000-1.499.000 đồng/tháng sẽ đóng phí 70.000 đồng. Với những tài xế có thu nhập từ 1.500.000-1.999.000 đồng/tháng sẽ đóng 150.000 đồng; thu nhập từ 2.000.000-2.999.000 đồng/tháng sẽ đóng phí 200.000 đồng; thu nhập trên 3.000.000 đồng/tháng sẽ đóng phí 300.000 đồng.
Với đối tác là tài xế taxi, hãng cũng áp dụng miễn phí phí quản lý nếu thu nhập dưới 5.000.000 đồng/tháng. Tài xế có thu nhập 5.000.000-9.999.000 đồng/tháng sẽ đóng phí 750.000 đồng; thu nhập từ 10.000.000-14.999.000 đồng/tháng đóng phí 1.200.000 đồng. Những tài xế thu nhập 15.000.000-19.999.000 đóng phí 1.600.000 đồng; thu nhập trên 20.000.000 đồng/tháng đóng phí 2.000.000 đồng.
“Tài xế càng đạt doanh thu cao thì phí quản lý sử dụng ứng dụng sẽ càng giảm. Đây là chính sách mà chúng tôi hướng đến vấn đề nhân văn khi biết rằng đằng sau lưng họ là còn có gia đình. Đặc biệt, chúng tôi không thu phí nếu thu nhập hàng tháng của tài xế xe ôm dưới 500.000 đồng và tài xế taxi dưới 5 triệu đồng”, ông Phong khẳng định.
Đại diện Aber cũng cam kết không tăng giá cước vào giờ cao điểm như một số hãng công nghệ khác trên thị trường đang áp dụng. Giá cước cho mỗi chuyến đi được hiển thị ngay trên ứng dụng.
Các dịch vụ của ứng dụng mới này mang đến khá đa dạng, gồm xe ôm, taxi công nghệ, xe tải giao hàng, xe trải nghiệm du lịch và xe doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại diện ứng dụng cho hay thời kỳ đầu sẽ tập trung phát triển mạnh xe ôm và taxi để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện tại, ứng dụng này đã tuyển được hơn 1.000 tài xế qua hình thức đăng ký trực tuyến. Trong thời gian tới, hãng đối thủ của Grab sẽ tiếp tục chiêu mộ đối tác theo hình thức online hoặc trực tiếp từ công ty.
Aber được phát triển bởi nhóm kỹ sư trẻ người Việt thuộc thế hệ 8X, 9X du học tại châu Âu, dựa trên nền tảng công nghệ của Đức. Nhóm cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ các nhà đầu tư.
Trước đó, trao đổi với Zing.vn, đại diện hãng này cho hay Aber không phải là nhái từ Uber mà là viết tắt của cụm từ Am Besten Fahrer (tiếng Đức). Cụm từ này nghĩa là người lái xe tốt nhất, cũng có nghĩa là hoàn hảo, tuyệt vời nhất.
Cuối tháng 3, Grab công bố mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Sau thời gian trên, nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ bắt đầu phàn nàn về chất lượng, giá cước khi cho rằng hãng này gần như độc chiếm thị trường trong nước.
Theo Phúc Minh (Tri Thức Trực Tuyến)