Sáng ngày 29.3, tại cuộc họp báo Công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế xã hội quý I. 2018, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: Bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng theo chu kỳ, do đó kinh tế Việt Nam đã có bước tăng trưởng kỷ lục lên tới 7,38%.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1.2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,95%, đóng góp 0,46 điểm %; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, đóng góp 3,39 điểm %, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,7%, đóng góp 2,75% điểm %.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm nay giảm so với tháng trước, theo quy luật tiêu dùng sau Tết của những năm trước đây. CPI tháng 3.2018 giảm 0,27% so với tháng 2.2018, tuy nhiên lại tăng 22,66% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung, CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2018 tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I năm 2018 ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 14,97 USD tăng 18,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,34 tỷ USD tăng 23,2%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I năm 2018 ước tính đạt 53,01 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2018 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Cán cân thương mại hàng hóa tính chung quý I.2018 xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,3 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,6 tỷ USD.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc căn cứ nào Tổng cục Thống kê đưa ra dự báo giá dầu thô tăng 80 USD, trong điều kiện đang giảm sản lượng khai thác, bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết: Giá dầu thô hiện đã tăng lên mức gần 67 USD/thùng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia nhận định dầu thô có thể tăng 70 – 80 USD/thùng trong thời gian tới. Mặt khác, Hiệp hội các nhà dầu mỏ thế giới cam kết giảm sản lượng, hỗ trợ cho giá, dự báo của Cục năng lượng thế giới, giá dầu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, 70 – 80 USD/thùng.
Bà Ngọc cũng cho biết, FED tăng lãi suất cơ bản, chính sách của Tổng thống Mỹ thì rất có thể lãi suất còn tăng trong năm nay. Với điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là rất linh hoạt, kiên định kiểm soát lạm phát. Chỉ số không chỉ phụ thuộc vào USD mà còn là rỏ 8 đồng tiền mạnh nhất. Do đó, FED tăng tới 4 lần lãi suất thì sẽ có ảnh hưởng nhưng không nhiều tới Việt Nam.
“Chúng tôi đưa ra 3 kịch bản lạm phát trong năm nay căn cứ vào giá một số mặt hàng có ảnh hưởng chính như giá xăng dầu, lương thực thực phẩm, thịt heo...và các yếu tố khác. Trong đó sẽ có 2 kịch bản CPI bình quân dưới 4% hoặc bằng 4% so với mục tiêu Quốc hội đề ra. Kịch bản còn lại là giá các mặt hàng này tăng mạnh thì có thể cuối năm vượt mức 4% so với mục tiêu của Quốc hội đề ra”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Theo Phi Long (Dân Việt)