Ảnh minh họa. |
Trước đó, thông tin rao bán tòa nhà Keangnam Hà Nội đã xuất hiện trên báo chí Hàn Quốc từ cuối tháng 4, sau hàng loạt bê bối tại công ty xây dựng Keangnam Enterprises như lập quỹ đen, đưa hối lộ và Chủ tịch tự tử. Colliers International là đơn vị đứng ra rao bán tài sản này, và trong số những đối tác tiềm năng, có không ít tên tuổi lớn như Goldman Sachs và Qatar Investment Authority...
"Trong trường hợp giá mua lại trên 800 triệu USD, QIA có quyền đàm phán độc quyền. Ngược lại, cuộc đàm phán sẽ bị hủy và sẽ chuyển sang đấu thầu cạnh tranh", thông báo của nhà chức trách cho biết.
Việc tòa án đứng ra định giá tài sản của Keangnam Enterprises diễn ra trong bối cảnh tập đoàn này đang sa sút vì nợ nần. Hiện nay, các chủ nợ của Keangnam là Ngân hàng ShinhanBank, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Ngân hàng Wooribank và Nonghyup Bank.
Landmark 72 là tòa nhà cao nhất Việt Nam, nằm ở phía Tây Nam của Hà Nội. Tòa nhà có 72 tầng và có diện tích sử dụng 610.000 m2. Theo báo chí Hàn Quốc, công ty Keangnam đã đầu tư 1.200 tỷ won (hơn một tỷ USD) để xây dựng tòa nhà này, trong đó số tiền đang vay nợ các ngân hàng là 530 tỷ won.
Theo hãng phát thanh - truyền hình KBS, Keangnam rơi vào tình trạng khó khăn bắt đầu từ khi cố Chủ tịch Sung Woan-jong đặt tham vọng xây tòa nhà cao nhất Việt Nam. Dự án phần nào được đánh giá là thành công với mức giá bán có khi lên tới 3 triệu won (khoảng 58 triệu đồng) một mét vuông ở khu căn hộ, tỷ lệ lấp đầy hiện khoảng 70%. Tuy nhiên giới chuyên gia nhận định để xây dựng tòa nhà, công ty đã vay nợ quá nhiều dẫn đến mất cân đối tài chính.
Theo Tùng Anh - Anh Đức (VnExpress.net)