Dư luận có ý kiến cho rằng phán quyết của HĐXX giao toàn bộ cổ phần của bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ và ông Vũ hoàn lại tiền tương ứng số cổ phần cho bà Thảo là vượt quá thẩm quyền xét xử, can thiệp quá sâu vào quyền hợp pháp của cổ đông theo Luật doanh nghiệp 2014.
Để xác định ý kiến dư luận đúng hay tòa tuyên đúng thì cần phải dựa vào quy định pháp luật có liên quan.
Pháp luật quy định ra sao?
Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn: Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, tòa án giải quyết theo quy định của luật này.
Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến một số yếu tố, trong đó có việc "bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập".
Điều 64 Luật hôn nhân và gia đình quy định: Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.
Theo thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 6-1-2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp, "bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập" là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch.
Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.
Tòa "lấn sân" Luật doanh nghiệp?
Việc chia tài sản chung là hiện vật nói chung là khá đơn giản, nhưng chia cổ phần lại là câu chuyện khác. Việc chia cổ phần là tài sản chung của vợ chồng không chỉ bị điều chỉnh bởi Luật hôn nhân và gia đình mà còn liên quan đến các ngành luật khác, trong đó có Luật doanh nghiệp.
Theo quy định Luật doanh nghiệp, cổ đông của công ty cổ phần có rất nhiều quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, chứ không đơn giản là tiền.
Trường hợp của bà Thảo không chỉ nắm giữ cổ phần trong Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên mà còn có cổ phần tại các công ty con của Trung Nguyên. Do vậy, với việc sở hữu cổ phần của mình, bà Thảo có quyền thực hiện các quyền của cổ đông đối với Tập đoàn Trung Nguyên và các công ty con, thậm chí có quyền phủ quyết giao dịch trong một số trường hợp nhất định.
Việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần hoặc công ty TNHH cho ai là quyền của bà Thảo, tòa án không thể can thiệp. Bởi lẽ, Luật doanh nghiệp quy định về trình tự, thủ tục chào bán, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp (đối với công ty TNHH) và thuộc quyền tự quyết của chủ sở hữu cổ phần, thành viên góp vốn.
Hơn nữa, trị giá cổ phần không cố định mà có thể lên xuống tùy vào tình hình sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Do đó, giá trị cổ phần của một công ty không phải chỉ là giá trị sổ sách mà còn bị tác động bởi thị trường.
Nguyên tắc áp dụng pháp luật là khi một lĩnh vực có luật chuyên ngành điều chỉnh thì áp dụng luật chuyên ngành. Ở đây, việc sở hữu và giao dịch cổ phần thuộc sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp nên phải áp dụng luật này.
Khi xét xử ly hôn, tòa chỉ có thể chia tài sản của các bên, xác định số cổ phần các bên sở hữu, còn sau khi chia họ có thỏa thuận chuyển nhượng với nhau hay không là quyền tự định đoạt của các đương sự.
Vì vậy, việc tòa lấy lý do đảm bảo lợi ích bên đang hoạt động sản xuất kinh doanh cần tiếp tục được sản xuất kinh doanh và hai bên có tranh chấp tại Tập đoàn Trung Nguyên để giao toàn bộ cổ phần chung của vợ chồng tại tập đoàn cho ông Vũ sở hữu gây tranh cãi trong dư luận là điều khó tránh khỏi.
Trên đây chỉ là quan điểm riêng của Luật sư Nguyễn Văn Đức thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM.
Bên cạnh đó, không ít dư luận bạn đọc và mạng xã hội lại cho rằng 'tòa xử hợp lý vì sau lưng ông Vũ là cả một thương hiệu quốc gia và hàng ngàn công nhân', 'Hãy hỗ trợ để ông Vũ điều hành Trung Nguyên vì nó là đứa con tinh thần và tâm huyết của ông Vũ', 'Chia 6:4 là hợp lý rồi do Trung Nguyên thành lập trước khi cưới bà Thảo về"...
Tuổi Trẻ mong đón nhận ý kiến tranh luận từ phía bạn đọc về vấn đề đang gây tranh cãi này.
Theo Luật sư NGUYỄN VĂN ĐỨC - Đoàn LS TP.HCM (Tuổi Trẻ Online)