Bà Thảo bật khóc rời tòa, nói 'quá bất công với mẹ con tôi'
Vụ ly hôn vợ chồng "vua" cà phê Trung Nguyên khép lại hôm qua, 27/3, tại TAND TP HCM, sau 4 năm giằng co từ lúc bà Thảo đơn phương đệ đơn ly dị năm 2015.
Ngoài tuyên bố của HĐXX cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo ly hôn vì "mâu thuẫn trầm trọng", phần được quan tâm hơn là phân xử khối tài sản tổng trị giá 8.225 tỷ đồng.
Ngoài tiền, vàng, bất động sản chia đôi, tòa chia ông Vũ 60% cổ phần Trung Nguyên, bà Thảo 40%. Nhưng bà Thảo phải nhượng toàn bộ cổ phần và ông Vũ có nghĩa vụ trả bằng tiền.
Đây là quyết định có tính "thanh khoản" cao. Đề nghị bà Thảo quy đổi thành tiền mặt toàn bộ cổ phần Trung Nguyên là cách giải ngân tạo điều kiện cắt đứt mọi ràng buộc của bà với ông Vũ và công ty ông Vũ.
Trong một phiên xử trước, HĐXX cũng xử cấp dưỡng cho 4 con ông Vũ bằng tiền: 10 tỷ đồng mỗi năm thay vì 5% cổ phần mỗi người. Phán quyết sau cùng được đôi bên chấp thuận.
Trở lại phiên xử ngày 20/2, trước khi đi đến quyết định chung đưa tiền cho bà Thảo nuôi con, ông Vũ lớn tiếng: "Tiền để làm gì... Tiền nhiều để làm gì, để ngày hôm nay phải ngồi đây?". Câu hỏi được dư luận quan tâm, nhưng không thực sự đi vào trọng tâm vụ xử ly hôn người sáng lập Trung Nguyên.
Vẻ ngoài chì chiết, nhưng đôi bên đều hiểu tranh chấp cốt lõi là: quyền sở hữu Trung Nguyên. Điều này mới dẫn đến đôi co dai dẳng, chứ không phải chuyện hơn thua tiền bạc.
Các phương án chia họ đưa ra thể hiện rõ mong muốn ảnh hưởng tới tập đoàn. Phía bà Thảo đề nghị chia 50:50, sẽ giúp bà chi phối công ty; còn 70:30 theo sách lược của ông Vũ sẽ đưa bà Thảo về dưới mức cổ phần có quyền phủ quyết (36%).
Tối hôm ông Vũ hỏi "Tiền nhiều để làm gì?", bà Thảo viết trên trang cá nhân: "Giờ các con khẩn khoản xin ba chút cổ phẩn để kế thừa sản nghiệp của gia đình, tránh cho gia sản của ba mẹ bị rơi vào tay những người khác, nhưng mọi đề nghị anh từ chối hết. 70% Trung Nguyên cho anh và 30% cho 5 mẹ con. Vậy tôi còn nên tin vào những điều thiện lành anh vẫn rao giảng?".
Quyền sở hữu Trung Nguyên mới là bài toán chia tài sản khó nhất thể hiện qua án tuyên ngày 27/3 của HĐXX. Theo đó, tòa chia đôi hầu hết những gì chung của cặp vợ chồng như tiền, vàng, bất động sản, riêng cổ phần Trung Nguyên có khác biệt rõ rệt.
Về nguyên tắc, tài sản chung được chia đôi, nhưng xét thêm hoàn cảnh và đóng góp của mỗi bên. Tòa thấy "đóng góp của ông Vũ nhiều hơn". "Ông Vũ là người sáng lập cà phê Trung Nguyên nhờ vào tài sản là bán hai căn nhà của bố mẹ và vay mượn tiền của nhiều người", thẩm phán nói. "Qua các giai đoạn phát triển, ông Vũ luôn giữ chức danh chủ tịch và là người điều hành công ty mang về lợi nhuận cao". Ngoài ra, vốn góp của ông Vũ luôn nhiều hơn bà Thảo.
Giữa phương án 50:50 và 70:30 của mỗi bên, tòa chọn mốc ở giữa 60:40. Tuy nhiên, mấu chốt ở quyết định đi kèm của tòa: bà Thảo bàn giao toàn bộ cổ phần cho ông Vũ, và nhận tiền. Bà Thảo là người thua trắng, nếu xét cốt lõi đeo đuổi vụ án của bà, và cũng lý giải những giọt nước mắt cuối phiên tòa của người phụ nữ này.
Đồng tình với quan điểm của ông Vũ, HĐXX cho rằng bà Thảo nắm cổ phần sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, dẫn đến bế tắc. Tòa nói: "Cần thiết giao cho ông Vũ quyền điều hành Trung Nguyên". Đổi lại, ông Vũ đưa tiền cho bà Thảo đầu tư vào thương hiệu cà phê mới.
Quy hết ra tiền, ông Vũ còn nợ vợ cũ 1.200 tỷ đồng.
Ông Vũ ra về trong im lặng với báo chí, có thể hiểu ông đã đạt được thỏa thuận mong muốn. Ông được chỉ định lấy hết quyền hạn ở Trung Nguyên từ tay vợ - bằng tiền.
Đến lúc này đã có lời giải cho câu hỏi ông đặt ra: "Tiền nhiều để làm gì?", ít nhất từ phía ông Vũ.
Còn bà Thảo, sau khi nhận sự im lặng của chồng trước câu hỏi của mình: "Từ ngày cưới, anh có chuyển cho em đồng nào không?", sẽ được chuyển tiền mua đứt những gì bà còn lại tại Trung Nguyên, trong trường hợp kháng cáo không thành công. Cầm tiền về, đến lượt bà tự trả lời: "Tiền nhiều để làm gì?".
Theo Thanh Tùng (Ngoisao.net)