Tờ báo kinh tế hàng đầu thế giới bày tỏ lo ngại 'Việt Nam chưa giàu đã già'

14/11/2018 08:20:51

Tại Việt Nam, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt mức đỉnh năm 2013 nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5.024 USD/năm.

Vào mỗi buổi sáng sớm tại thủ đô Hà Nội, các công viên luôn đầy ắp hàng trăm người cao tuổi đang tập thể dục nhằm tận dụng không khí trong lành trước khi mặt trời lên cao.

Hình ảnh những nhóm người cao tuổi tập thể dục tại công viên mỗi sáng sớm đã không còn xa lạ với người Việt. Tuy nhiên, ẩn sau những hình ảnh này là một thách thức lớn cho nền kinh tế mới nổi tại Đông Nam Á.

Thách thức lớn

Theo Economist, độ tuổi bình quân tại Việt Nam đang là 26 tuổi, tuy nhiên dân số Việt đang già đi khá nhanh. Hiện số người trên 60 tuổi tại Việt Nam chỉ chiếm 12% dân số nhưng tỷ lệ này được dự đoán sẽ tăng lên 21% vào năm 2040, một trong những tốc độ lão hóa nhanh nhất thế giới.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là đời sống người dân tăng cao khiến con người sống thọ hơn. Độ tuổi tử vong bình quân của con người đã tăng từ 60 tuổi năm 1970 lên 76 tuổi hiện nay.

Đời sống cải thiện cũng khiến tỷ lệ sinh giảm xuống từ mức bình quân mỗi phụ nữ đẻ 7 trẻ em năm 1970 xuống dưới 2 trẻ em hiện nay.

Tại Việt Nam, chính phủ đã ban hành quyết định kế hoạch hóa gia đình, chỉ được sinh 1 con từ những năm 1980, qua đó giới hạn số trẻ em được sinh ra. Dù chính sách này không được thực hành triệt để như Trung Quốc nhưng số lượng người trẻ tại Việt Nam cũng giảm rõ rệt trong thời kỳ này.

Đối với nhiều nền kinh tế, dân số lão hóa là một thách thức không thể tránh khỏi khi nền kinh tế phát triển, nhưng điều này lại diễn ra tại Việt Nam khi người dân vẫn còn nghèo.

Tờ báo kinh tế hàng đầu thế giới bày tỏ lo ngại 'Việt Nam chưa giàu đã già'
Tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số (%)

Tại những nền kinh tế như Hàn Quốc hay Nhật Bản, khi tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt mức cao nhất, mức GDP bình quân đầu người theo giá trị thực ở tương ứng vào khoảng 32.585 USD/năm và 31.718 USD/năm.

Thậm chí tại Trung Quốc, GDP bình quân đầu người cũng đã vào khoảng 9.526 USD/năm khi dân số trong độ tuổi lao động ở mức đỉnh.

Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đạt mức đỉnh năm 2013 nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5.024 USD/năm. 

Trong khi đó, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của các nước như Philippines hay Indonesia được dự đoán là sẽ đạt đỉnh trong vài chục năm tới với mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn rất nhiều so với Việt Nam.

Những con số này cho thấy Việt Nam đang gặp phải thách thức rất lớn. Đầu tiên liệu chính phủ Việt Nam có đủ sức để hỗ trợ hàng triệu người cao tuổi trong xã hội? Với quy định hiện hành, chỉ những người rất nghèo và có độ tuổi trên 80, chiếm khoảng 30% số người cao tuổi, mới nhận được hỗ trợ từ chính phủ với số tiền chỉ vài USD mỗi tuần.

Khảo sát năm 2011 cho thấy 90% số người cao tuổi trong diện cần hỗ trợ trên không có tiền tiết kiệm thực sự, nợ nần là điều thường xuyên diễn ra và việc giúp đỡ những người già này sẽ vô cùng tốn kém.

Dự đoán của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy chi tiêu cho an sinh xã hội, lương hưu sẽ khiến chi ngân sách của Việt Nam tăng 8 điểm phần trăm GDP vào năm 2050. Tốc độ tăng này cao hơn bất kỳ quốc gia nào của 12 nước Đông Nam Á.

Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn tại vùng nông thôn khi lượng người cao tuổi khá đông đảo. Trước đây những người trẻ chăm sóc cho cha mẹ họ khi về già, nhưng giờ đây tầng lớp thanh thiếu niên có xu hướng rời bỏ làng quê lên thành phố kiếm sống.

Các cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ người già sống cô đơn tại Việt Nam đang tăng nhanh, đặc biệt là tại các vùng nông thôn.

Thậm chí, rất nhiều trường hợp người cao tuổi vẫn phải làm việc cho tới khi qua đời. Khoảng 40% nam giới tại vùng nông thôn Việt Nam vẫn phải lao động cực nhọc cho đến tận 75 tuổi, cao gấp đôi so với đàn ông ở thành thị. Tại Anh, tỷ lệ này chỉ vào khoảng 3%.

Bên cạnh đó, việc phải chi tiền chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người cao tuổi cũng là một vấn đề.

Tỷ lệ người bị bệnh Alzheimer, bệnh tim mạch hay những bệnh liên quan đến người cao tuổi đang tăng tại Việt Nam nhưng có đến 1/3 số người trên 60 tuổi lại không hề có bảo hiểm xã hội. Thủ tục rườm rà và những bất cập trong ngành bảo hiểm lẫn y tế khiến nhiều người không muốn tham gia.

Tại rất nhiều tỉnh thành, chính quyền địa phương không xây dựng được một bệnh viện có đủ chức năng chăm sóc cho những người già. Thay vào đó, hàng loạt các phòng khám mọc lên để đáp ứng nhu cầu. Dẫu vậy, chất lượng của những bác sĩ tại các phòng khám cũng như trang thiết bị đi kèm còn là một câu hỏi.

Tờ báo kinh tế hàng đầu thế giới bày tỏ lo ngại 'Việt Nam chưa giàu đã già' - 1
Ảnh minh họa

Chưa có biện pháp hiệu quả

Nhận thức được tình hình, chính phủ Việt Nam đã có những động thái nhằm đối phó với thách thức lão hóa dân số.

Năm 2017, chính sách kế hoạch hóa gia đình đã được nới lỏng. Vào tháng 5/2018, chính phủ đang xem xét nới rộng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 tuổi cho nam giới và 60 lên 62 cho nữ giới, đồng thời cải cách hệ thống lương hưu.

Năm 2019, Việt Nam đang có kế hoạch cải tổ hệ thống bảo hiểm cũng như an sinh xã hội.

Dẫu vậy, những động thái này cũng chưa thực sự hiệu quả bởi đáng ra Việt Nam phải thay đổi được cấu trúc nền kinh tế khi lực lượng lao động giảm sút. Thông thường một quốc gia sẽ đi qua đỉnh cấu trúc dân số khi họ đã chuyển đổi được từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu sang thị trường dịch vụ, sản xuất.

Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn còn kém nhiều mặt so với các nước láng giềng dù dân số đang lão hóa nhanh chóng hơn họ. Khi dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam đạt đỉnh vào năm 2013, ngành nông nghiệp vẫn chiếm 18% nền kinh tế. Trong khi đó ở vào thời điểm tương đương, tỷ lệ này của Trung Quốc chỉ là 10% GDP.

Tệ hơn, sự lão hóa đi kèm với hạ năng suất và điều này lý giải tại sao 3/4 số lao động Việt Nam có việc làm nhưng hiệu quả năng suất lại giảm đi so với trước. Tại Malaysia, hiện tượng này chỉ diễn ra khi 1/2 lao động có việc làm.

Hiện nhiều công ty quốc doanh vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, trong khi các sinh viên đại học vẫn tốn ít nhất 1 năm để học các môn ngoài chuyên ngành. Rõ ràng, Việt Nam sẽ còn phải làm rất nhiều để cải thiện tình hình nhằm đối phó với thách thức lão hóa dân số và giảm năng suất lao động.

Việc lão hóa dân số hiện diễn ra khá nhanh ở khu vực châu Á khi nền kinh tế nơi đây phát triển, tuy nhiên rủi ro chưa giàu đã già đang khiến tình hình ở Việt Nam đáng báo động hơn bao giờ hết.

Theo AB (Soha/Thời Đại)

Nổi bật