Các hoạt động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, đặc biệt là ngành bán sỉ và lẻ, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, giáo dục và chăm sóc sức khỏe là những yếu tố chủ chốt thúc đẩy GDP tăng trưởng.
Theo đó, trong 9 tháng năm 2018, chỉ riêng phân khúc các ngành công nghiệp và xây dựng đã tăng 8,9%, dịch vụ tăng 6,89%, thấp hơn nhẹ so với mức tăng trưởng trước đó lần lượt là 9,1% và 6,9%. Hoạt động sản xuất duy trì tăng trưởng ở mức 12,7%, thấp hơn mức 13% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, nông nghiệp tăng 3,7% so với mức 2,8% trong ba quý năm 2017.
Theo nghiên cứu kinh tế và thị trường toàn cầu của UOB, do tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 là 6,9%, tăng nhẹ so với mức 6,8% trước đó. Mức dự báo kinh tế này cao hơn mục tiêu của chính phủ Việt Nam – 6,7%.
Trong đó, hoạt động đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng vẫn là những động lực tăng trưởng quan trọng. Hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ được thúc đẩy bởi việc tiếp nối mở rộng của các doanh nghiệp đa quốc gia trong phân khúc các ngành có nhu cầu cao về nhân lực, xuất khẩu, sản xuất và chế biến.
Ngoài ra, trong tám tháng đầu năm 2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã góp vốn và mua cổ phần trị giá 24,4 tỷ USD. Trong đó, sản xuất và chế biến thu hút được vốn FDI nhiều nhất so với tổng vốn đăng ký ban đầu là 10,7 tỷ USD, chiếm 44% tổng vốn đầu tư toàn thị trường. Kế tiếp là bất động sản với 5,9 tỷ USD (24%) và bán sỉ và bán lẻ với 1,9 tỷ USD (8%).
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể tác động trực tiếp đến Việt Nam. Mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay có thể giảm do nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản suy yếu đi. Trong khi đó, điều kiện thời tiết không thuận lợi cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng nông nghiệp và quá trình khai thác khoáng sản.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) dự kiến duy trì ổn định lãi suất tái cấp vốn ở mức 6,25% cho đến cuối năm nay. Với tỷ lệ chuẩn hiện tại, chính sách tiền tệ vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng kinh tế.
Sức tăng trưởng mạnh giúp giảm bớt áp lực lên Chính phủ và Ngân Hàng Nhà nước (NHNN) trong việc ban hành thêm các chính sách, hoạt động kích thích tăng trưởng để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018. Điều này dẫn kết quả là NHNN có thể bỏ qua chính sách cắt giảm lãi suất, kể cả khi các ngân hàng trung ương khác trên khu vực châu Á bắt đầu thực thi quy trình tiêu chuẩn hoá chính sách tiền tệ bằng cách tăng nhẹ lãi suất.
Theo Hải Yên (Báo Tin Tức)