Tại diễn đàn "Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc", ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, phía Việt Nam với Mỹ đang đàm phán về biện pháp kiểm dịch thực vật với quả chanh leo (chanh dây) tươi. Dự kiến quá trình này sẽ hoàn tất năm 2025.
Trước đó, hồi tháng 8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay đã hoàn tất quá trình đàm phán kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý cho phép nhập khẩu chanh leo Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu chanh leo sang Mỹ mỗi năm sẽ đạt từ 50 - 100 triệu USD. Hiện nay, Việt Nam có 8 loại trái cây tươi được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, gồm: Thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi và dừa.
Trước đó, mặt hàng chanh leo của Việt Nam cũng đã được xuất chính ngạch sang Australia. Chanh leo xuất qua Australia được yêu cầu nguyên quả, không có cuống hoặc nếu có không quá 3 cm. Phải được cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói trước khi xuất khẩu. Không nhiễm các sinh vật gây hại bị cấm. Lô chanh leo phải được chiếu xạ 400 Gy; tuân thủ yêu cầu về đóng gói cũng như kiểm dịch thực vật.
Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, mặt hàng này xuất khẩu theo kiểu tạm thời và chỉ được xuất khẩu qua một số cửa khẩu chỉ định như Hữu Nghị, Tân Thanh, Tà Lùng...
Trong vòng 5 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu chanh leo nước ta đã tăng hơn 300%. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu chanh leo đạt hơn 222 triệu USD. Hiện nay, các nước châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sản phẩm chế biến dịch chanh leo cấp đông.
Chanh leo Việt Nam lọt top 10 nhà cung ứng toàn cầu
Chanh leo thuộc chi Passiflora edulis, họ lạc tiên. Cây chanh dây lần đầu tiên được du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Trước năm 2015 chanh dây chủ yếu tập trung phát triển tại các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông.
Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2015 đến nay thị trường tiêu thụ, đặc biệt là chế biến xuất khẩu chanh leo được mở rộng, tốc độ tăng trưởng bình quân về diện tích giai đoạn 2015 - 2022 đạt 31,1%/năm (tương ứng 1.000 ha/năm).
Chanh leo hiện có diện tích trồng lên tới 9.500ha với sản lượng đạt 188.900 tấn, nằm trong nhóm 18 loại quả có sản lượng trên 100.000 tấn mỗi năm của Việt Nam.
Tây Nguyên là vùng sản xuất chanh leo thương mại chính, chiếm hơn 90% diện tích trồng chanh leo cả nước. Theo số liệu đến năm 2022, Tây Nguyên có khoảng 8.200 ha chanh dây. Trong đó Gia Lai hiện là tỉnh có diện tích chanh leo lớn nhất với hơn 4.263 ha, sản lượng đạt hơn 134.000 tấn năm 2022 (hiện cũng đang là địa phương thu hút, tập trung các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống, chế biến tiêu thụ chanh leo lớn nhất cả nước); tiếp đến gồm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Trung du miền núi phía Bắc là vùng chanh leo lớn thứ 2 với hơn 1.000ha (hơn 11%), chủ yếu tập trung tại tỉnh Sơn La (Cục Trồng trọt, 2023). Giống chanh leo chủ yếu hiện nay là giống quả tím Đài nông 1 (LPH04), chiếm hơn 95% diện tích trồng.
Việt Nam có thể sản xuất chanh leo quanh năm và đã trở thành một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu chanh leo lớn trên thế giới, nằm trong top 10 nước cung ứng , sau các quốc gia như Brazil, Colombia, Ecuador và Peru.Theo thông tin từ Báo Chính phủ, chanh leo Việt Nam có triển vọng xuất khẩu cao với 80% sản lượng dành cho thị trường quốc tế với kim ngạch tăng trưởng ổn định.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành nông nghiệp trồng chanh leo của Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn liên quan đến dịch bệnh và kỹ thuật canh tác. TS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật trực (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, bệnh virus vẫn là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sản xuất chanh dây bền vững, trong đó virus gây cứng trái gây thiệt hại lớn nhất đối với sản xuất chanh dây tại Việt Nam.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, theo kế hoạch, diện tích chanh leo của Việt Nam dự kiến mở rộng lên 12 nghìn ha vào năm 2025. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh và yếu tố thị trường nên diện tích mở rộng cây trồng này đã chững lại. Do đó, để phát triển bền vững, cần tăng cường quản lý chất lượng cho chuỗi giá trị.
Theo Pha Lê (Nhịp Sống Thị Trường)