Theo Cổng Thông tin Chính phủ, Chủ tịch CTCP Hàng không Vietjet (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo đã có cuộc gặp gỡ các đối tác chiến lược từ nhiều nơi trên thế giới tại dinh thự Mar-a-Lago của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong sự kiện “Friends of Vietnam Summit” từ 9-11/1.
Đây là sự kiện dành cho Vietjet và các đơn vị trong đoàn công tác đến từ Việt Nam, nhằm nâng cao quan hệ hợp tác song phương và đa phương.
Năm 2017, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Donald Trump đã chứng kiến việc ký kết đặt mua 100 tàu bay 737 Max đầu tiên giữa Boeing và Vietjet. Khi đó, Tổng thống Trump đã đề nghị Vietjet đặt mua thêm 100 tàu bay nữa.
Theo gợi ý này, Vietjet đã nâng số lượng đặt mua lên 200 tàu bay. Trong năm nay, 2025, năm đầu tiên của nhiệm kỳ của tổng thống Trump, 14 chiếc tàu bay 737 Max sẽ được Boeing bàn giao cho Vietjet.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo từng đón Tổng thống Donald Trump tham dự Tuần lễ APEC 2017 tại khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng của bà. Khi đó, Tổng thống Trump đã có bài phát biểu trước hơn 4.000 lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia tiêu biểu đến từ 20 nền kinh tế.
Tín hiệu gì từ sự kiện gặp gỡ các đối tác chiến lược tại Mỹ?
Sự kiện Vietjet và các đơn vị trong đoàn công tác Việt Nam đến Mỹ hứa hẹn những thương vụ lớn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ.
Hiện tại, Vietjet đang có những thỏa thuận chiến lược với những tập đoàn hàng đầu như Boeing, GE, CFM, Pratt & Whitney, Honeywell,... với tổng giá trị gần 50 tỷ USD. Ngoài ra, các hợp tác trị giá khoảng 14 tỷ USD cũng đang được thảo luận. Những thỏa thuận này đang tạo ra trực tiếp gần 500.000 việc làm cho người dân Mỹ.
Bên cạnh đó, Vietjet còn hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Microsoft, Amazon Web Service, Apple, Google,... Hãng hàng không này cũng đang đàm phán với SpaceX của tỷ phú Elon Musk và một số nhà cung cấp giải pháp công nghệ Internet trên tàu bay để phục vụ đội máy bay hàng trăm chiếc, thúc đẩy lực lượng lao động công nghệ cao và mở ra kỷ nguyên mới về đổi mới sáng tạo.
Có thể thấy, những thương vụ tỷ USD của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng như Vietjet đóng góp lớn cho sự phát triển của ngành hàng không trong nước và việc cân bằng thương mại với Mỹ.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và thường xuyên bị đưa vào danh sách theo dõi, giám sát. Những hợp đồng mua bán máy bay hay hợp tác về công nghệ có thể giúp hài hòa thương mại giữa hai bên.
Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt hơn 132 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang là gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Hàng hóa Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại Mỹ. Thương mại hai bên tiếp tục tăng trưởng bứt phá sau khi hai nước lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào cuối năm 2023.
Tuy nhiên, nhập khẩu từ Mỹ cũng cần được coi trọng để giảm rủi ro bị áp thuế cao hơn. Hiện Việt Nam xếp thứ 3 trong số các đối tác thương mại chính của Mỹ về thặng dư thương mại, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Chính phủ Việt Nam cũng đã có các biện pháp để giảm thiểu khả năng bị Washington áp thuế cao hơn, trong đó có biện pháp khuyến khích nhập khẩu từ Mỹ, mở rộng thị trường xuất khẩu...
Một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần kêu gọi các tập đoàn lớn tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao của Mỹ, vừa giúp gia tăng hiệu quả và triển vọng kinh tế trong nước, vừa giảm thặng dư thương mại với quốc gia này.
Hơn nữa, Mỹ phát triển công nghệ hàng đầu trên thế giới, đặc biệt công nghệ chip, công nghệ hàng không vũ trụ, công nghệ về năng lượng tái tạo. Việc hợp tác với các doanh nghiệp như Nvidia, Apple, SpaceX... là hợp với xu hướng phát triển của kinh tế Việt Nam.
Vietjet là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam với đội bay gồm 3 chiếc khi thành lập. Hãng hiện vận hành 115 máy bay mới, hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu và có hơn 400 chiếc khác đang được đặt hàng.
Tới đây, một số lượng lớn máy bay hiện đại của Hoa Kỳ sẽ được bàn giao cho Vietjet, góp phần phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam và ngành hàng không trên toàn cầu. Bước vào giai đoạn phát triển mới, Vietjet định hướng tiếp tục là hãng hàng không có giá tốt, dịch vụ chất lượng, đồng thời tạo nên những cầu nối giữa con người, văn hóa và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân các nước.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)