Trái với mức tăng trưởng tín dụng hai chữ số trong những năm trước, hai công ty tài chính tiêu dùng thuộc nhóm đứng đầu hiện nay là FE Credit và HDSaison chỉ đạt mức tăng trưởng tín dụng chưa tới 5% trong nửa đầu năm. Con số này chưa bằng một nửa so với mức tăng chung của ngành ngân hàng và chỉ bằng một phần ba so với mức tăng của ngân hàng mẹ.
Từng đóng góp một nửa lợi nhuận hợp nhất của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) trong nhiều năm, FE Credit trong nửa đầu năm nay chỉ còn chiếm tỷ lệ dưới 40%.
Công ty tài chính giữ thị phần đứng đầu về dư nợ cho vay cũng chỉ tăng khoảng 3% dư nợ tín dụng trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng hợp nhất của VPBank đạt 8,8%, riêng ngân hàng mẹ VPBank tăng 10,5%.
Một trong những đối thủ của FE Credit trên thị trường - HDSaison - công ty tài chính tiêu dùng do HDBank sở hữu 50%, cũng gặp cảnh tương tự. Trong nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ HDBank đạt hơn 16%, thì tỷ lệ của HDSaison chưa tới 5%.
"Các con số nói trên phản ánh tăng trưởng tín dụng của mảng tài chính tiêu dùng tiếp tục kém trong quý II", báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá.
Với FE Credit, nhóm phân tích của VCSC cho rằng, một phần nguyên nhân do công ty tài chính này cắt giảm tín dụng cho các nguồn thay thế như doanh nghiệp mỹ phẩm và tập trung hơn vào gia tăng nền tảng khách hàng.
Giữa năm 2018, FE Credit gặp khủng hoảng với những khách hàng vay vốn liên quan đến DeAura - một đối tác dịch vụ làm đẹp của công ty này. Khi đó, DeAura bị "tố" ép khách hàng, có cả người thu nhập thấp, kém hiểu biết tín dụng như lao công, đồng nát..., mua sản phẩm, đẩy họ vào cảnh nợ nần. Sự việc này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của FE Credit mà còn khiến hoạt động của công ty này phải thay đổi.
Tổng giám đốc FE Credit, ông Kalidas Ghose cũng cho biết, một trong những lý do của việc sụt giảm trong hoạt động kinh doanh là việc chấn chỉnh lại hoạt động cho vay tiêu dùng. FE Credit gặp phải một số phàn nàn của khách hàng về sự thiếu công bằng trong công tác thu hồi nợ và điều này là lý do khiến công ty phải điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp.
Người đứng đầu VPBank, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh trong lần họp báo mới đây cũng thừa nhận FE Credit đang đi chậm lại. Tuy nhiên ông Vinh cho rằng điều này nằm trong định hướng tăng cường và phát triển nội tại của ngân hàng cũng như công ty tài chính này, hơn là đánh đổi lấy tăng trưởng nhanh.
Dù vậy, ngoài việc chủ động "đi chậm lại", bản thân những công ty tài chính cũng vấp phải một số khó khăn nội tại. Một trong những khó khăn chung hiện giờ là vấn đề quản lý và xử lý nợ xấu sau giai đoạn tăng trưởng nóng những năm gần đây. Trong đó, vấn đề đang nổi lên là công tác nhân sự xử lý nợ.
Theo đại diện FE Credit, việc nhiều ngân hàng chọn tài chính tiêu dùng là hướng phát triển khiến cuộc đua giành giật nhân sự trong lĩnh vực này càng thêm căng thẳng. "Giai đoạn đầu năm, chúng tôi bị mất nhân sự thu hồi nợ, nhiều công ty đối thủ của FE Credit đã kéo đi số nhân sự này khiến số khoản nợ trên mỗi cán bộ thu hồi nợ của FE Credit tăng vọt", Tổng giám đốc FE Credit chia sẻ trong buổi họp báo mới đây.
Ở thời điểm thiếu hụt nhân sự, mỗi nhân viên thu hồi nợ của FE Credit phải chịu trách nhiệm cho hơn 1.000 khoản nợ. Con số này đã giảm về 888 vào cuối quý II, tuy nhiên vẫn là áp lực lớn lên hoạt động của công ty này.
Đây cũng là lý do khiến nợ xấu của FE Credit tăng lên liên tục. Đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu của công ty tài chính đạt khoảng 6,5%, khiến tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank vượt 4%. Dù tỷ lệ nợ xấu tính theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) chỉ ở khoảng 5% với FE Credit nhưng điều này cũng ít nhiều tác động đến khả năng mở rộng hoạt động.
Với HDBank, theo VCSC, xử lý nợ xấu gộp 6 tháng đầu năm của nhà băng này trên cơ sở hợp nhất cũng tăng mạnh lên 356 tỷ đồng, tương đương 0,3% dư nợ tín dụng so với 241 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái (0,2% dư nợ tín dụng). Phần lớn trong số này là xử lý nợ xấu cho HDSaison.
Theo Minh Sơn (VnExpress.net)