Tín dụng bất động sản chuyển biến làm sao kiểm soát rủi ro, tình trạng 'bong bóng'

16/05/2025 10:11:53

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hiệu quả, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa và các chính sách khác và việc cấp tín dụng cho lĩnh vực này cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng nêu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 28/02/2025 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.488.332 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 2% so với Quý IV/2024 (1.460.914 tỷ đồng).

Trong quý I năm 2025, tín dụng bất động sản đã có những chuyển biến đáng tích cực, cụ thể như việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, bao gồm việc đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 145.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Các ngân hàng thương mại được khuyến khích mở rộng tín dụng vào các dự án bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp... Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16% trong năm 2025, tương đương với việc bổ sung khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hiệu quả, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa và các chính sách khác và việc cấp tín dụng cho lĩnh vực này cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Tín dụng bất động sản chuyển biến làm sao kiểm soát rủi ro, tình trạng 'bong bóng'

Theo đó Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn chú trọng kiểm soát rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản và yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thận trọng, đảm bảo an toàn tài chính và tránh để xảy ra tình trạng "bong bóng" trong lĩnh vực này.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tổng giá trị phát hành trái phiếu mới chỉ đạt 25.130 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Sự sụt giảm này nguyên nhân chủ yếu được nhận định là do thiếu các hoạt động phát hành riêng lẻ.

Trái phiếu phát hành ra công chúng đạt 23.130 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ, cao nhất trong 5 năm qua, nhờ đóng góp của các ngân hàng và công ty chứng khoán là chủ yếu.

Trong quý I/2025, các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu chiếm khoảng 30,3% tổng giá trị phát hành mới; Ngành bất động sản dẫn đầu về mua lại trái phiếu với tỷ trọng 58,6% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng khoảng 11.361 tỷ đồng.

Trong phần còn lại của năm 2025, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 181.892 tỷ đồng, trong đó nhóm bất động sản chiếm 53,1% với 96.527 tỷ đồng. Trong quý I/2025, có 3 trường hợp chậm trả lãi mới với giá trị 4.854 tỷ đồng, chủ yếu từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và xi măng.

Số liệu cho thấy sự phục hồi nhưng còn "dè dặt" trong phát hành mới. Tổng giá trị phát hành mới toàn thị trường đạt 25.130 tỷ đồng, nhưng phần bất động sản chỉ chiếm khoảng 30,3%, theo đó dù có sự cải thiện về phát hành ra công chúng (tăng 68% so với cùng kỳ) nhưng hầu hết các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa sẵn sàng quay lại huy động vốn mạnh mẽ qua trái phiếu như các năm trước đây.

Theo Hoàng Quân (SHTT)

Nổi bật